Theo đó, các địa phương, doanh nghiệp dịch vụ du lịch cần đáp ứng 8 tiêu chuẩn gồm: khách sạn xanh, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch bền vững, địa điểm tổ chức MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của công ty cho nhân viên, đối tác), thành phố du lịch sạch, nhà vệ sinh công cộng và dịch vụ spa.
Việc các địa phương, doanh nghiệp du lịch của Việt Nam áp dụng tiêu chuẩn du lịch ASEAN sẽ góp phần đảm bảo chất lượng và an toàn để du khách có trải nghiệm du lịch tốt hơn. Các địa phương sẽ khai thác phát huy những tiềm năng về thiên nhiên và văn hóa theo hướng hiệu quả và bền vững hơn. Tập trung thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến các điểm du lịch cộng đồng để tạo công ăn việc làm, sinh kế phát triển bền vững cho người dân.
Đối với doanh nghiệp, khi áp dụng theo Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN trong thiết kế, xây dựng sản phẩm, dịch vụ sẽ tạo ra môi trường du lịch chất lượng và đóng góp xây dựng uy tín cho doanh nghiệp, điểm đến được tin cậy hơn.
Tiêu chuẩn du lịch ASEAN đặt ra những yêu cầu về quản lý, giảm tiêu thụ năng lượng, sử dụng tài nguyên tự nhiên một cách bền vững và xử lý chất thải hiệu quả… Tuân thủ tiêu chuẩn này, Việt Nam nói chung và các địa phương, doanh nghiệp nói riêng có thể duy trì sự cân bằng hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong thời gian vừa qua, ngành Du lịch Việt Nam đang tích cực triển khai tuyên truyền, hướng dẫn các bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN đến các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc gồm: khách sạn xanh, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch bền vững, địa điểm tổ chức MICE, thành phố du lịch sạch, nhà vệ sinh công cộng, dịch vụ spa. Tất cả tiêu chuẩn du lịch ASEAN đều hướng đến phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực du lịch.
Bên cạnh đó, ngành du lịch Việt Nam cũng tích cực hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp xây dựng hồ sơ tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển bền vững các điểm đến du lịch của Việt Nam nói riêng và khu vực ASEAN nói chung.
Cụ thể, ngày 5/2/2023 vừa qua, trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2023 diễn ra tại Indonesia, Tổ chức Giải thưởng Du lịch ASEAN đã trao giải thưởng cho 14 đơn vị của Việt Nam tại 4 hạng mục sau:
(1) Hạng mục giải thưởng Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) ASEAN lần thứ 4
– Cụm Homestay xã An Bình, tỉnh Vĩnh Long (gồm 06 đơn vị homestay liên kết thành 01 cụm homestay, bao gồm: Út Thủy, Sáu Thành, Năm Thành, Ba Lình, Ngọc Phượng, Ngọc Sang).
– Cụm Homestay xã Nghĩa Đô, tỉnh Lào Cai (gồm 05 đơn vị homestay liên kết thành 01 cụm homestay, bao gồm: Homestay số 01 (Bản Hón), Homestay số 02 (Bản Mường Kem), Homestay số 04 (Bản Hón), Homestay số 05 (Bản Nà Khương), Homestay số 06 (Bản Thâm Mạ).
(2) Hạng mục giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3
– Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch cộng đồng Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
– Điểm bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, tỉnh Lai Châu.
– Cộng đồng du lịch làng chài Tân Thành, tỉnh Quảng Nam.
– Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, tỉnh Thái Nguyên.
(3) Hạng mục giải thưởng Nhà vệ sinh công cộng ASEAN lần thứ 2
– Nhà vệ sinh công cộng tại Đài quan sát Saigon Skydeck- Tháp tài chính Bitexco, thành phố Hồ Chí Minh.
– Nhà vệ sinh công cộng tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, thành phố Hồ Chí Minh.
– Nhà vệ sinh công cộng tại Khu du lịch Bến Xưa, thành phố Hồ Chí Minh.
(4) Hạng mục giải thưởng Dịch vụ Spa ASEAN lần thứ 2
– Cham Spa & Massage, thành phố Đà Nẵng.
– Cơ sở Sen Tài Thu Vincom Mega Mall Smart City, thành phố Hà Nội.
– Sol Spa (Khách sạn nghỉ dưỡng Minera Resort), tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
– Chi Spa (Khách sạn nghỉ dưỡng Silk Path Grand Resort & Spa Sa Pa), tỉnh Lào Cai.
– Thala Spa (Khách sạn Best Western Premier Sonasea Phú Quốc), tỉnh Kiên Giang.
Trung tâm Thông tin du lịch