Thừa Thiên Huế: Gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của người Tà Ôi

Nghề dệt thổ cẩm (dèng) ở vùng cao huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có từ lâu đời. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhiều mặt của đời sống xã hội, nghề này đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Quan tâm truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho các cháu học sinh được người dân địa phương thực hiện nhằm giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Du khách tham quan gian hàng

Đến thăm Câu lạc bộ dệt dèng của xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, ai ai cũng được chứng kiến không khí học tập hào hứng của các em học sinh đang được những người thợ lành nghề truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. Chị Viên Thị Kết, Chủ tịch câu lạc bộ cho biết: “Câu lạc bộ được thành lập từ năm 2016, khi đó chỉ có 10 thành viên. Sau thời gian hoạt động, đến nay đã có gần 50 chị em trong xã tham gia”.

Nghề dệt truyền thống của người Tà Ôi có từ lâu đời. Những sản phẩm từ tấm vải dèng vừa là trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng, thể hiện bản sắc riêng có của người vùng cao, vừa là lễ vật cần thiết trong các lễ hội quan trọng. Người con gái trước khi về nhà chồng phải tự tay dệt những tấm vải dèng để tặng người chồng yêu quý của mình. Tấm vải dèng như sợi dây kết nối hạnh phúc đã đi sâu vào tâm thức và nếp sống, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng.

Tuy nhiên hiện nay, nghề dệt thổ cẩm đang có nguy cơ mai một vì nhiều lý do khác nhau. “Từ đó, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động, phối hợp với các trường học, trực tiếp mở nhiều khóa học miễn phí để truyền dạy nghề cho học sinh, nhất là khi các cháu bước vào kỳ nghỉ hè. Đến nay đã có nhiều cháu tham gia và rất đam mê học nghề, một số cháu đã thành thạo, tạo ra được thu nhập để giúp đỡ gia đình…”, chị Kết chia sẻ thêm.

Trực tiếp hướng dẫn cho các em, chị Hồ Thị Khăng ở thôn Tru Chaih, xã Đông Sơn, huyện A Lưới tâm sự: “Tôi được bà nội truyền nghề từ khi còn rất nhỏ, đến nay đã gắn bó với nghề dệt dèng hơn 30 năm. Để dệt thành công một tấm vải dèng phải trải qua nhiều công đoạn. Đây cũng là công việc rất cầu kỳ, tinh tế đòi hỏi sự kiên trì, cẩn thận và chính xác.

Người thợ dệt phải có kỹ năng, kinh nghiệm mới tạo ra tác phẩm độc đáo và sắc nét. Các tác phẩm dệt thổ cẩm phải đẹp mắt với nét hoa văn phức tạp và mầu sắc tươi sáng. Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc của người Tà Ôi được tích lũy và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có thời điểm phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng lòng yêu nghề, yêu bản sắc văn hóa của dân tộc mình, chúng tôi quyết tâm giữ gìn và truyền dạy cho thế hệ mai sau”.

Tươi tắn trong bộ trang phục truyền thống, Hồ Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Đông Sơn khoe với chúng tôi: “Cháu tham gia lớp học lần này là lần thứ hai, được các cô, các bác trong câu lạc bộ hướng dẫn rất tỉ mỉ và dễ hiểu nên cháu tiếp thu rất nhanh. Hiện nay cháu đã tự dệt được tấm vải dèng nhỏ và dệt khăn quàng cổ. Cháu sẽ cố gắng học tập để các cô hướng dẫn những họa tiết cầu kỳ hơn và tự tay mình làm ra những bộ trang phục truyền thống thật đẹp. Cháu rất yêu và mong muốn các bạn của mình luôn tích cực học tập để gìn giữ nghề dệt dèng truyền thống của dân tộc mình”.

Chị Lê Thị Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới cho hay: Năm 2015, lần đầu, dệt dèng được giới thiệu đến công chúng cả nước và quốc tế tại Festival nghề truyền thống ở thành phố Huế. Sự độc đáo từ thổ cẩm dèng của người Tà Ôi thu hút sự quan tâm của du khách gần xa. Nhiều nhà thiết kế thời trang nổi tiếng đã chọn sản phẩm này cho các bộ sưu tập của mình.

Nhà thiết kế Minh Hạnh đã đưa những bộ sưu tập từ thổ cẩm dèng A Lưới đến sàn trình diễn thời trang ở một số nước trên thế giới. Giữ gìn nghề dệt dèng truyền thống không chỉ giữ gìn nét đẹp văn hóa mang bản sắc dân tộc, mà còn là việc làm cần thiết nhằm phát triển kinh tế cho người dân địa phương. Đây đang là mục tiêu được cấp ủy, chính quyền và người dân huyện A Lưới quan tâm thực hiện.

Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa truyền thống riêng, từ trang phục, phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết… Những giá trị văn hóa ấy tạo nên bức tranh phong phú, đa sắc màu trong nền văn hóa Việt Nam. Đây cũng là yếu tố nhận diện và cũng là hồn cốt của mỗi dân tộc cần phải được quan tâm bảo vệ, giữ gìn và không ngừng phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đó.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, rất cần có sự quan tâm, chung tay của các cấp, ngành, địa phương, của mỗi người dân và toàn xã hội, trong việc chủ động đi trước đón đầu bằng những biện pháp hữu hiệu, thiết thực để cho nét đẹp văn hóa thấm sâu trong lòng dân tộc.

Bài và ảnh:  Xuân Bính

Báo Nhân dân – nhandan.vn – Đăng ngày 3/7/2024

Scroll to Top
Send this to a friend