Là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, huyện Định Hóa có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch cộng đồng, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của 17 dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn huyện. Từ đó trở thành một trong những điểm đến du lịch cộng đồng của tỉnh, bước đầu giúp nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Lợi thế phát triển du lịch cộng đồng
Theo định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên, UBND huyện Định Hóa đã ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 -2025 và định hướng đến năm 2030, theo đó đã huy động lồng ghép nhiều nguồn lực để thực hiện phát triển du lịch trên địa bàn huyện.
Nét văn hóa Hát ví của dân tộc Tày
Huyện Định Hóa có 17 dân tộc anh em cùng chung sống, từ thế hệ này qua thế hệ khác cùng lưu truyền những nét văn hóa, đặc trưng của dân tộc mình. Mỗi dân tộc đều có một bản sắc, đặc trưng riêng: Di sản văn hóa nhảy tắc xình, hát Sấng Cọ của dân tộc Sán Chỉ ở xã Sơn Phú, Tân Thịnh; Hát then, hát Lượn, hát ví của dân tộc Tày ở xã Phú Đình, Điềm Mặc, Định Biên; Nghề thủ công truyền thống đan nón của dân tộc Tày ở Thanh Định, Quy Kỳ; Lễ hội dân gian truyền thống – lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa; các hoạt động giáo dục kết hợp du lịch cộng đồng gắn với bản làng người Tày…
Từ việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa, giá trị truyền thống… đã giúp huyện Định Hóa nói chung và các dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng đã tạo nên sự thu hút đặc biệt đối với du khách, với những người đam mê khám phá, tìm hiểu văn hóa dân tộc truyền thống.
Nghề thủ công truyền thống đan nón của dân tộc Tày
Chị Trần Thị Hường (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ, chị đến huyện Định Hóa để trải nghiệm cảnh sắc núi rừng hùng vĩ, thưởng thức văn hóa hoa trà tại các xã Phú Đình, Điềm Mặc. Con người nơi đây rất thân thiện, dễ mến và không khí trong lành. Vì vậy mỗi lần trở lại, chị đều cảm nhận được sự thay đổi, dịch vụ ngày càng tốt hơn nhưng vẫn giữ được những nét văn hóa, truyền thống, bản sắc dân tộc.
Ông Phạm Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Những năm qua, huyện Định Hóa đã lựa chọn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc để tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch. Đồng thời, huyện luôn quan tâm đến hoạt động văn hóa, du lịch cộng đồng với những tiêu chí đánh giá cụ thể. Địa phương đã xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, dự án về nâng cao chất lượng phục vụ và hoạt động của các làng văn hóa du lịch cộng đồng như: Làng văn hóa du lịch Bản Quyên xã Điềm Mặc, làng văn hóa du lịch xóm Đồng Kệu, xóm Khuôn Tát xã Phú Đình. Tính đến đầu năm 2024, huyện có 183 điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 01 di tích cấp Quốc gia đặc biệt (gồm 13 di tích thành phần), 18 di tích Quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh.
Các mô hình tham quan trải nghiệm di tích lịch sử gắn với văn hóa, lịch sử truyền thống, trải nghiệm gắn với văn hóa trà, sản xuất nông nghiệp.
Từ năm 2021 – 2023, thực hiện Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, huyện Định Hóa đã dành nguồn lực để hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ truyền thống các xã nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu như: Hỗ trợ phục dựng nét văn hóa tiêu biểu hát then, sấng cọ, đàn tính, nhảy tắc sình, hát Pả Dung, lễ cấp sắc của dân tộc Dao… Hỗ trợ trang phục dân tộc và đạo cụ dân tộc cho các đội văn nghệ truyền thống. Hỗ trợ trang thiết bị âm thanh phục vụ hoạt động của các câu lạc bộ. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã huy động nguồn lực để hỗ trợ cho 11 đội văn nghệ truyền thống các thôn, xóm, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Song song với việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền quảng bá du lịch huyện Định Hóa qua nhiều hình thức để thu hút khách du lịch đến với Thái Nguyên và về Định Hóa thì huyện cũng đã đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống gắn liền với phát triển du lịch địa phương. Nhiều hoạt động văn hóa, du lịch được tổ chức trong các chương trình kích cầu du lịch, thu hút du khách thăm quan như: Gian trưng bày sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP huyện Định Hóa; trưng bày, giới thiệu làng nghề đan nón cổ truyền dân tộc Tày; quảng bá du lịch cộng đồng Khuôn Tát, Phú Ninh, xã Phú Đình trên hệ thống báo chí, truyền hình tỉnh. Đề xuất các nội dung đưa vào quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Hệ thống hang động tự nhiên (chùa Hang); Tiềm năng du lịch văn hóa ( Khu di tích ATK Định Hóa; lễ hội dân gian truyền thống – lễ hội Lồng Tồng ATK Định Hóa); di sản văn hóa phi vật thể; phát triển du lịch về nguồn; các hoạt động giáo dục kết hợp du lịch cộng đồng gắn với bản làng người Tày…
Làm du lịch để bảo tồn văn hóa
Làng văn hóa du lịch cộng đồng của huyện Định Hóa được hình thành và hoạt động theo đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 do tỉnh và huyện triển khai thực hiện.
Qua đó, dịch vụ du lịch tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng được hình thành từ những nét văn hoá đậm đà bản sắc, các mô hình nhà ở homestay được cải tạo từ những ngôi nhà cũ và giữ nguyên kiến trúc nhà ở của người dân bản địa.
Du lịch thắng cảnh trên mặt Hồ Bảo Linh
Đề án du lịch đã xác định các sản phẩm du lịch cụ thể để triển khai thực hiện; các chính sách hỗ trợ việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa được các cấp ban ngành tỉnh quan tâm đầu tư như: hỗ trợ lập dự án điểm du lịch cộng đồng; hỗ trợ xây dựng các sản phẩm du lịch; hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ sở lưu trú, hỗ trợ thành lập các đội văn nghệ truyền thống phục vụ khách du lịch…
Để bảo tồn được văn hóa áp dụng vào du lịch huyện Định Hóa đã đưa nguồn lao động của địa phương vào các mô hình phát triển du lịch như người Tày mặc trang phục của dân tộc mình biểu diễn văn nghệ; đón tiếp khách tham quan; tham gia lễ hội; các mô hình tham quan trải nghiệm di tích lịch sử gắn với văn hóa, lịch sử truyền thống, trải nghiệm gắn với văn hóa trà, sản xuất nông nghiệp khác; trải nghiệm và thưởng thức các di sản văn hóa các dân tộc Dao, dân tộc Tày, San Chí: hát then, đàn tính, nhảy Tắc xình, làm đồ thủ công của các dân tộc (nón Tày, đàn tính), trải nghiệm dịch vụ tắm lá thuốc…
Có thể thấy, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa được huyện Định Hóa triển khai tích cực, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được bảo vệ và phát huy, là địa điểm quan tâm về nguồn của nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh; đặc biệt các di tích còn là địa chỉ đỏ về học tập cho các thế hệ học sinh, sinh viên…/.
Lê Hà
Báo Đảng Cộng sản – dangcongsan.vn – Đăng ngày 12/7/2024