Thái Nguyên: Khai thác tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Với tiềm năng và lợi thế sẵn có, từ năm 2021, huyện Định Hóa triển khai Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa” giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho bà con các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn.

Vườn hoa tam giác mạch ở Điểm du lịch Khuôn Tát (xã Phú Đình, Định Hóa) thu hút đông đảo du khách.

Trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có 183 điểm di tích lịch sử – văn hóa. Trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt với 13 điểm di tích; 18 di tích quốc gia và 27 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, huyện còn có nhiều lễ hội văn hóa truyền thống (như Lồng tồng, Chùa Hang) và các di sản văn hóa, ẩm thực độc đáo của đồng bào các DTTS. Đây là lợi thế rất lớn để phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm.

Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Định Hóa xác định các sản phẩm du lịch cụ thể để triển khai thực hiện. UBND huyện đăng ký và đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng Điểm du lịch cộng đồng xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình. Theo đó, các nội dung hỗ trợ được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai trong giai đoạn 2021-2025, gồm: Lập dự án điểm du lịch cộng đồng; xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nội bộ; xây dựng bãi đỗ xe chung, điểm đón tiếp, trưng bày, cung cấp thông tin du lịch cộng đồng; xây dựng cơ sở lưu trú du lịch cộng đồng (homestay)… với tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ 5 tỷ đồng.

Cùng với các chính sách của tỉnh, huyện Định Hóa cũng đã triển khai hỗ trợ Điểm du lịch cộng đồng Khuôn Tát, như: Tôn tạo cảnh quan nhà sàn; hỗ trợ lãi suất ngân hàng; tập huấn, tổ chức học tập kinh nghiệm… Từ năm 2021 đến 2023, địa phương đã hỗ trợ các hộ phát triển du lịch tại đây trang thiết bị thiết yếu và phát triển 5 sản phẩm du lịch, gồm: Du lịch câu cá; trò chơi dân gian; làm bánh truyền thống; trải nghiệm đi xe đạp tại điểm du lịch; hỗ trợ sản lượng đối với diện tích đất chuyển sang trồng hoa tam giác mạch, với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng…

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Phát triển du lịch của huyện cũng tổ chức cho bà con đi học tập kinh nghiệm ở một số địa phương phát triển mạnh về du lịch cộng đồng; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập mô hình văn hóa, văn nghệ và hỗ trợ trang phục dân tộc Tày; Dao; truyền dạy hát Then, đàn Tính, hát ví của dân tộc Dao…

Anh Triệu Văn Khánh, một người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng tại Khuôn Tát, chia sẻ: Bà con trong xóm chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Dao nên có nhiều phong tục độc đáo và giàu bản sắc. Việc được tập huấn kiến thức và tham quan học hỏi kinh nghiệm đã giúp chúng tôi phát triển du lịch cộng đồng chuyên nghiệp hơn. Bà con mong muốn cơ quan chức năng và huyện tiếp tục đồng hành để mô hình phát triển hơn nữa…

Hiện nay, ngoài Điểm du lịch Khuôn Tát, xã Phú Đình, UBND huyện Định Hóa đã khảo sát đưa vào khai thác các điểm du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn, văn hóa trà tại các xã Phú Đình (xóm Phú Ninh và Đồng Kệu); Điềm Mặc (xóm Bản Bắc, Bản Quyên, Song Thái…); xóm Phú Hội, xã Sơn Phú; phối hợp khảo sát du lịch khám phá ở Thâm Bây (xã Quy Kỳ); Khau Què (xã Linh Thông); du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng (hồ Bảo Linh, xã Bảo Linh); du lịch cộng đồng gắn với di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng tại các địa điểm Nhà tù Chợ Chu – Chùa Hang – hồ Bảo Linh…

Theo lãnh đạo huyện Định Hóa, địa phương đang tập trung vào 7 giải pháp để thúc đẩy du lịch công đồng, như: Đầu tư hạ tầng, thực hiện quy hoạch, thu hút đầu tư và xúc tiến quảng bá du lịch; xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch gắn với phát huy tối đa sản phẩm nông – lâm nghiệp; các làng nghề thủ công truyền thống để góp phần bổ trợ cho hoạt động du lịch cộng đồng; tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy di sản văn hóa…

Dương Hưng

Báo Thái Nguyên – baothainguyen.vn – Đăng ngày 21/6/2024

Scroll to Top
Send this to a friend