(TITC) – Thái Nguyên có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc, văn hóa ẩm thực phong phú, là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Tận dụng tiềm năng đó, loại hình này hiện đang được tỉnh ưu tiên phát triển và trở thành một trong những sản phẩm du lịch chính.
Được mệnh danh là vùng đất “đệ nhất danh trà”, những năm trở lại đây, hoạt động du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên đã từng bước được hình thành và phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Các mô hình du lịch cộng đồng được phát triển ở nhiều địa phương như: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), Phú Đình (Định Hóa), Tức Tranh (Phú Lương), Phú Thượng (Võ Nhai), Bình Sơn (TP. Sông Công), La Bằng (Đại Từ)…
Tại các địa phương, người dân đã đầu tư chỉnh trang những nương chè để phục vụ hoạt động du lịch. Nhiều cơ sở sản xuất chè đã phát triển thêm các dịch vụ du lịch cộng đồng như Homestay, dịch vụ lưu trú, ăn uống. Nhiều nơi đã xây dựng được khu chế biến, khu trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm, không gian thưởng trà rộng rãi, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm và mua sắm của các đoàn khách đông người.
Bên cạnh các mô hình du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, tại Thái Nguyên còn xuất hiện nhiều mô hình du lịch trải nghiệm văn hóa các dân tộc, nông nghiệp khác như: Mô hình trải nghiệm vườn cây ăn trái như vườn nho, vườn dâu tây tại xã Khôi Kỳ (Đại Từ); mô hình du lịch nông nghiệp gắn với cảnh quan sinh thái hồ Ghềnh Chè (TP. Sông Công)…
Nguồn: Thái Hải
Trong số những điểm đến hấp dẫn tại Thái Nguyên, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải thu hút đông đảo du khách nội địa và quốc tế. Nơi đây quy tụ hơn 30 ngôi nhà sàn nguyên mẫu, phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Tày. Bản làng Thái Hải còn lưu giữ nguyên vẹn các phong tục, tập quán đẹp, nghề truyền thống như làm thuốc Nam, nấu rượu, chế biến chè, thực hành Then trong cuộc sống hằng ngày. Đến với bản làng, du khách được trải nghiệm, hòa mình vào không khí đậm chất văn hóa dân tộc.
Mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên thời gian qua đã có sức lan tỏa, tạo được sức hút với người dân địa phương tham gia làm du lịch. Với mong muốn phát triển du lịch cộng đồng bền vững, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định và hướng dẫn cụ thể về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025, với lộ trình sẽ hoàn thành xây dựng 5 mô hình điểm đến về du lịch cộng đồng.
Sở VHTTDL Thái Nguyên sẽ tăng cường các sự kiện và định hướng cho các khu, điểm du lịch, tổ chức dịch vụ trải nghiệm, tổ chức trình diễn và xây dựng các cửa hàng lưu niệm; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; thành lập các tổ, đội văn nghệ dân gian; truyền dạy các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại các khu du lịch trọng điểm, điểm du lịch cộng đồng để phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm phát triển du lịch cộng đồng cũng được quan tâm. Sở VHTTDL Thái Nguyên sẽ mở các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch; nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững; vận động, hướng dẫn cộng đồng dân cư trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh, nét đẹp của từng địa phương, điểm đến.
Trung tâm Thông tin du lịch