“Phát triển du lịch cộng đồng làng Cửa Khe” là chủ đề hội thảo do UBND huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam tổ chức hôm 20/12. Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng lễ bế mạc Năm Du lịch quốc gia 2022.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng tại Cửa Khe. Ảnh: H.Q
Tiềm năng Cửa Khe
Bà Phan Thị Nhi – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, làng Cửa Khe thuộc thôn Duy Hà (xã Bình Dương) là làng nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời và hiện có 60 hộ dân gắn bó với nghề.
Thiên nhiên ưu đãi cho Cửa Khe bờ biển đẹp, dài 4,5km với nguồn hải sản phong phú. Người dân nơi đây vẫn giữ những nét văn hóa miền biển như lễ cúng tổ nghề mắm, lễ hội cầu ngư, hát bả trạo… Đáng chú ý, làng chỉ cách TP.Hội An 15 phút chạy ô tô, nằm giữa 2 dự án Vinpearl Land Nam Hội An và Hoiana.
“Với tiềm năng và lợi thế trên, thời gian qua làng Cửa Khe thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, trải nghiệm và tổ chức các hoạt động giải trí trên biển. UBND huyện Thăng Bình, xã Bình Dương đã và đang nỗ lực cải thiện, đầu tư hạ tầng, xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp; đồng thời vận động người dân gìn giữ nghề truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng” – bà Nhi nói.
Một góc làng Cửa Khe nhìn từ trên cao. Ảnh: H.Q
Thời gian qua, HTX Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe – đơn vị tiên phong trong việc đưa hoạt động du lịch về làng nghề, đã không ngừng đầu tư, cải tạo, làm mới bờ biển. Từ một vùng biển hoang sơ đã hình thành các khu vực check-in bắt mắt, có điểm lưu trú về đêm và thưởng thức đặc sản địa phương.
Ông Võ Nguyên Tùng – Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe nói, trong các tháng hè vừa qua có 10 đoàn khách đặt tour đến đây với số lượng khách hơn 300 người. Tính từ đầu năm 2022, HTX tổ chức 3 sự kiện lớn. Gần nhất là đêm văn nghệ, ẩm thực dịp lễ Quốc khánh 2/9 với chủ đề “Về với Cửa Khe” thu hút 1.500 du khách và người dân tham gia.
Hoạt động trải nghiệm về đêm tại làng Cửa Khe. Ảnh: H.Q
“Nhìn chung, hoạt động của HTX chỉ mới manh nha nên còn đơn sơ, chưa thật sự thu hút. HTX rất cần các cấp, ngành hướng dẫn, tạo điều kiện để thuê đất làm du lịch, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tổ chức lớp tập huấn, đào tạo cho người dân. Đặc biệt, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục để công nhận làng Cửa Khe là điểm du lịch” – ông Tùng đề xuất.
Dựa vào cộng đồng
Bà Phạm Quế Anh – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – dịch vụ – du lịch Hội An Express nhìn nhận, làng Cửa Khe có lợi thế về vị trí, nguồn lực và phát triển du lịch cộng đồng phù hợp với xu hướng hiện nay. Tuy nhiên, để nhanh chóng đưa sản phẩm du lịch Cửa Khe đến được với du khách thì HTX Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe cần xác định sản phẩm và thị trường phù hợp theo từng thời điểm trong năm.
“Chẳng hạn, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau sẽ phù hợp với du lịch trải nghiệm nông thôn, làng nghề cho khách quốc tế; tháng 6 đến tháng 8 là du lịch biển với hoạt động cắm trại, trò chơi gắn kết dành cho khách nội địa; hoạt động du lịch quanh năm sẽ là tìm hiểu văn hóa làng nghề, trải nghiệm làng nghề” – bà Anh gợi mở.
Cạnh đó, bà Anh cho rằng làng Cửa Khe cần tính toán chi phí tham quan cụ thể để thuận lợi kết nối với đơn vị lữ hành; phân bổ khu vực đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng và lập bản đồ du lịch tại Cửa Khe; đầu tư quảng bá trên nhiều kênh phương tiện, nhất là các trang du lịch quốc tế.
Thiên nhiên ưu đãi cho Cửa Khe bờ biển đẹp và dài 4,5km. Ảnh: H.Q
Bà Hoàng Quế Nga làm việc cho Tổ chức Du lịch bền vững Thụy Sĩ tại Việt Nam cho rằng, để phát triển du lịch tại làng Cửa Khe thì tất yếu phải dựa vào cộng đồng.
Ngôi làng này có truyền thống làm nước mắm, làm nghề biển lâu đời thì đầu tư làm thêm du lịch là cơ hội phát triển ngành nghề, làng nghề. Việc chuyển hẳn hoặc tập trung đầu tư du lịch là không nên, sẽ hao tổn nguồn lực và gặp khó khi cạnh tranh với doanh nghiệp lớn. Làng Cửa Khe nên phát huy giá trị cộng đồng của ngôi làng ven biển để làm sản phẩm du lịch khác biệt.
“Lâu nay HTX Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe đã có những hoạt động du lịch nhưng chưa có nguyên tắc hoạt động và khung pháp lý rõ ràng để vận hành hiệu quả. Tương lai, nếu có được định hướng tốt từ chính quyền các cấp, du lịch cộng đồng tại Cửa Khe sẽ là vệ tinh trong các tour du lịch đến Hội An. Khi đó, các hãng lữ hành sẽ có nhiều sự lựa chọn trong hoạt động du lịch” – bà Nga nói.
Hoạt động du lịch tại Cửa Khe phải dựa vào cộng đồng để phát triển bền vững. Ảnh: H.Q
Ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VHTTDL đề nghị, HTX Du lịch cộng đồng làng Cửa Khe cần xây dựng các sản phẩm du lịch cụ thể để tạo thương hiệu, bộ nhận diện và chỉ dẫn địa lý. Xây dựng câu chuyện về làng nước mắm Cửa Khe từ nguồn gốc làng mắm hàng trăm năm tuổi, từ câu ca dao “Nhất mắm Cửa Khe/ Nhì chè An Phú” để du khách nghe, hiểu và nhớ.
“Làm du lịch ở Cửa Khe không nên thương mại hóa sản phẩm du lịch, đầu tư dàn trải làm thay đổi tập quán của người dân làng nghề. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo mối đoàn kết xây dựng thương hiệu sẽ là chìa khóa phát triển du lịch cộng đồng bền vững” – ông Sơn chia sẻ.
Cũng theo ông Sơn, UBND huyện Thăng Bình cần làm tốt công tác quy hoạch, quản lý đất đai và đầu tư xây dựng tại làng Cửa Khe để tránh phá vỡ cấu trúc làng chài, làng mắm; đồng thời đầu tư, kết nối hạ tầng giao thông và gìn giữ môi trường xanh – sạch – đẹp.
Hồ Quân
Báo Quảng Nam điện tử – baoquangnam.vn – Đăng ngày 21/12/2022