Khác hẳn với không khí vắng vẻ, đìu hiu trong mùa dịch COVID-19, bây giờ nhiều du khách trong và ngoài nước đã quay trở lại tham quan, trải nghiệm ở làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu, xã Duy Vinh (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).
Khách du lịch trải nghiệm bơi thúng chai ngắm rừng dừa nước ở Trà Nhiêu. Ảnh: Q.H
Những ngày đầu tháng 5, làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu như vui nhộn hẳn lên bởi khách tham quan trong và ngoài nước tìm về trải nghiệm. Đường làng đã thông thoáng và trở nên xanh sạch hơn. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch bắt đầu nâng cấp để hút khách, trong khi các phương tiện ghe thuyền, thúng chai được sửa sang, sơn lại để chở khách tham quan rừng dừa nước, thả lưới bắt cá trên sông…
Du khách đến tham quan các làng nghề truyền thống. Ảnh: N.Q
Cùng với đó, các hộ làm nghề nấu rượu, dệt chiếu cói truyền thống… cũng rục rịch trở lại. Ông Phạm Minh Tâm (thôn Trà Nhiêu, xã Duy Vinh), chủ cơ sở dịch vụ du lịch Cô Mốt đang chuẩn bị đưa đoàn khách Tây đi ghe thả lưới đánh cá trên nhánh sông Thu Bồn với cảm xúc đầy phấn khởi.
Ông Tâm cho biết, gia đình ông làm dịch vụ du lịch thuyền thúng, nấu ăn hơn 6 năm nay, chủ yếu là phục vụ đưa khách tham quan rừng dừa, thả lưới… Thời gian đầu, cơ sở của ông ăn nên làm ra, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương.
Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát, cơ sở của ông Tâm và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ở Trà Nhiêu rơi vào cảnh khó khăn do vắng khách, nhiều lao động thất nghiệp.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, du khách trong và ngoài nước bắt đầu quay trở lại ngày càng tăng. Hàng ngày, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch của ông Tâm đón hàng chục lượt khách, với giá dịch vụ bơi thuyền thúng, hoặc ăn uống dao động 100 – 150 nghìn đồng/2 người nên được nhiều du khách ưa thích lựa chọn.
Du khách chụp hình lưu niệm cùng với người dân. Ảnh: N.Q
Ông Tâm chia sẻ: “Để thu hút du khách, tôi tự tìm cách giới thiệu với các hướng dẫn viên du lịch, hoặc đưa hình ảnh làng quê Trà Nhiêu lên mạng xã hội để quảng bá… Nay khách quay lại thế này, không chỉ tôi mà hầu hết người dân làm du lịch đều rất vui và cố gắng làm tốt các dịch vụ để tạo ấn tượng cho du khách khắp nơi đặt chân đến vùng đất này”.
Du khách trở lại Trà Nhiêu, không chỉ giúp các cơ sở kinh doanh du lịch tăng doanh thu, mà còn tạo ra nhiều việc làm cho người lao động địa phương, nhất là phụ nữ lớn tuổi.
Bà Nguyễn Thị Chiểu (1962, thôn Trà Đông, Duy Vinh) làm nghề chèo ghe thuyền nhỏ chở khách nói: “Khi tham gia làm du lịch cộng đồng, tôi có thêm nhiều cơ hội đón khách, mỗi tháng kiếm thêm được vài triệu đồng, cải thiện thêm đời sống gia đình”.
Chèo ghe thả lưới bắt cá trên nhánh sông Thu Bồn. Ảnh: N.Q
Còn hai du khách Lasman Vered và Lasman Yoel đến từ đất nước Israel vừa tham gia bơi ghe thả cá cùng với ngư dân Trà Nhiêu tỏ vẻ thích thú với sự trải nghiệm trên sông. Lasman Vered vui vẻ: “Chúng tôi đã đi du lịch ở các tỉnh miền Trung Việt Nam, nay lần đầu tiên đến khu du lịch sinh thái Trà Nhiêu. Ở làng quê, người phụ nữ rất dễ thương và hiếu khách nên tôi rất thích tour du lịch này”.
Nhìn xa, Trà Nhiêu giống một cồn đảo hoang sơ, vắng vẻ. Tháng 7/2010, làng du lịch sinh thái cộng đồng Trà Nhiêu chính thức ra đời, mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái cho người dân địa phương. Đã có doanh nghiệp vào đầu tư dịch vụ du lịch nơi đây nhưng không đem lại kết quả như mong đợi.
Ông Sáu Nguyễn Sáu – Chủ tịch UBND xã Duy Vinh thông tin, ở làng du lịch cồng đồng Trà Nhiêu có khoảng 5 hộ gia đình làm dịch vụ du lịch trải nghiệm. Mấy năm dịch bệnh COVID-19 bùng phát thì nơi đây khá yên ắng, nay có phần nhộn nhịp hơn khi du khách quay trở lại.
“Chính quyền tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh du lịch trải nghiệm bơi thuyền, thúng trong các hói, khu vực nước cạn, chứ không cho bơi ra sông đoạn nước sâu. Cùng với đó, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khi chở khách tham quan trên sóng nước, phải mặc áo phao đảm bảo an toàn” – ông Sáu nói.
Làng Trà Nhiêu nằm ở hợp lưu hạ nguồn của các nhánh sông Thu Bồn, sông Ly Ly và sông Trường Giang trước khi đổ ra biển Cửa Đại. Du khách có thể đến làng Trà Nhiêu từ Mỹ Sơn bằng đường bộ theo đường ĐT610 từ ngã ba Nam Phước (Duy Xuyên) về hướng đông khoảng 10km. |
Nguyễn Quỳnh – Phan Hải
Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn – Ngày 11/05/2023