Được đưa vào khai thác từ năm 2008, đến nay, làng du lịch cộng đồng (DLCĐ) Bhơ Hôồng, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đã khẳng định được thương hiệu là điểm đến được du khách trong nước và quốc tế yêu thích. Qua đó góp phần thu hút du khách, tăng thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào nơi đây.
Đồng bào trong trang phục truyền thống đón tiếp du khách đến thăm làng
Ngôi làng nằm tựa lưng vào những ngọn núi cao, trước mặt là sông Kôn với những con suối nhỏ quanh làng, thiên nhiên ưu đãi, khí hậu trong lành, cách làng không xa có dòng suối nước nóng A Păng thích hợp cho việc tắm chữa bệnh.
Làng vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu như lễ hội mừng lúa mới, nói lý – hát lý, múa tân tung da dá, nghề dệt thổ cẩm truyền thống được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các món ẩm thực của đồng bào Cơ tu chế biến
Chị Đinh Thị Thìn, hướng dẫn viên người Cơ Tu tại làng, cho biết, thời gian tham quan và trải nghiệm tại làng khoảng 3 giờ đồng hồ. Trong thời gian ấy, du khách sẽ khám phá ngôi làng xuyên qua những con đường nhỏ để cảm nhận cuộc sống đời thường, giao lưu với người đồng bào địa phương.
Ngôi nhà Gươl ở trung tâm làng với 4 ngôi nhà Moong bao quanh tái hiện dáng dấp làng cổ của người Cơ Tu là nơi sinh hoạt cộng đồng, tiếp khách, biểu diễn văn nghệ.
Du khách cũng có thể lưu trú tại nhà dân, cùng trải nghiệm những nếp sinh hoạt đời thường, cùng học tiếng Cơ Tu, đốt lửa trại. Trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm truyền thống, giao lưu múa vũ điệu tân tung da dá quyến rũ của các chàng trai, cô gái Cơ Tu.
Đặc biệt, du khách sẽ được thưởng thức và tìm hiểu quy trình chế biến các loại rượu đặc trưng của vùng đất này là rượu Tà vạt và Tr’đin, được đồng bào Cơ Tu chế biến từ cây đoát. Cùng với đó là các món ẩm thực cơm lam, thịt nướng ống, món zarắ (thịt ống thọc nhuyễn), ăn bánh cuốt (bánh sừng trâu) cùng với rau rừng, cá suối… với nhiều cách chế biến khác nhau.
Hướng dẫn viên địa phương cùng du khách khám phá sinh hoạt đời thường
Đây cũng là một trong số 12 điểm du lịch nông thôn được tỉnh Quảng Nam đăng ký phát triển du lịch nông thôn theo tiêu chí xanh-bền vững giai đoạn 2023-2025. Trong các nội dung hỗ trợ sẽ có việc phục dựng các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian, lễ hội, ẩm thực truyền thống, các sản phẩm du lịch sinh thái; đào tạo kỹ năng, nâng cao nhận thức về DLCĐ cho người dân.
Du khách chụp hình lưu niệm tại nhà Gươl của làng
Với lợi thế về các giá trị văn hóa bản địa độc đáo, danh lam thắng cảnh đẹp, nền ẩm thực phong phú riêng có, các điểm DLCĐ miền núi Quảng Nam, trong đó có Bhơ Hôồng đã được kết nối tạo nên bản đồ du lịch khá hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Hiện nay, các đơn vị lữ hành đã liên kết tổ chức tour tham gia trải nghiệm kết nối du lịch từ Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm đến các điểm đến trong tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là các điểm du lịch miền núi.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp đã gắn bó lâu dài, khai thác nguồn khách đến các mô hình DLCĐ ở khu vực miền núi Quảng Nam cũng cho rằng địa phương, cộng đồng nơi đây cần phải nỗ lực, khai thác và đầu tư có chiều sâu nhiều hơn từ các tiềm năng sẵn có, giá trị văn hóa bản địa để có thể tạo dấu ấn riêng nhằm thu hút du khách. Cần có sự thống nhất trong một quần thể cộng đồng để du lịch có bản sắc, tạo ra sự khác biệt cuốn hút du khách.
Làng DLCĐ Bhơ Hôồng nằm cách trung tâm huyện Đông Giang 17 km, cách trung tâm thành phố Hội An 80 km, cách thành phố Đà Nẵng 70 km. Làng có gần 700 người chủ yếu là dân tộc Cơ Tu, trên 50% số hộ làm nghề truyền thống dệt thổ cẩm và đan lát mây tre. Từ bao đời nay, đồng bào Cơ Tu nơi đây vẫn luôn đoàn kết, bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Không gian, cộng đồng của làng vẫn còn nguyên vẹn gìn giữ, trưng bày những hiện vật, hình ảnh và kiến trúc nhà Gươl truyền thống của đồng bào Cơ Tu. |
Khánh Chi
Nguồn: Báo Văn hóa – baovanhoa.vn – Ngày 11/01/2024