Tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên sẵn có, văn hóa bản địa từ bao đời nay đồng bào dân tộc Cơ Tu (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đã khai thác, phát triển du lịch cộng đồng.
Làng ĐhRôồng, xã Tà Lu, huyện miền núi Đông Giang chủ yếu là đồng bào Cơ Tu. Từ khi mô hình du lịch cộng đồng ĐhRôồng đi vào hoạt động năm 2019, có 35 hộ tham gia với hơn 82 lao động làm việc thường xuyên. Trước đây, cuộc sống của đồng bào Cơ Tu nơi đây chủ yếu nhờ vào làm rẫy, đời sống khó khăn. Từ khi tham gia làm du lịch cộng đồng, bà con có thêm thu nhập, cuộc sống ổn định hơn.
Những phụ nữ dệt thổ cẩm trở thành những hướng dẫn viên du lịch tại các làng du lịch cộng đồng tại huyện Đông Giang.
Tại làng du lịch cộng đồng ĐhRôồng thổ cẩm dệt ra chỉ để dùng trong gia đình, hiện nay phục vụ khách du lịch mua làm quà nên cuộc sống của bà con đã đổi thay. Việc khôi phục các làng nghề đan lát, dệt thổ cẩm gắn với du lịch cộng đồng đã góp phần tạo công ăn việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho bà con Cơ Tu. Sản phẩm của người Cơ Tu làm ra trở thành mặt hàng lưu niệm ưa thích của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Thổ cẩm của người Cơ Tu được dệt thủ công với nguyên liệu như bông, gai, se sợi, nhuộm, dệt vải, tạo hoa văn… Từ những đôi tay thô, chai sạn, những người phụ nữ Cơ Tu đã tạo nên hình ảnh núi rừng đại ngàn Đông Giang, hoa ablơm, lá atút, hoa văn bằng cườm trong các điệu múa uyển chuyển miền sơn cước…
Du lịch cộng đồng đang góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho đồng bào Cơ Tu tại tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TD.
Làng Bhơ Hôồng xã Sông Kôn, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có hơn 85% dân số là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng hoạt động từ năm 2013, có 1 tổ hợp tác gồm 30 thành viên được chia ra những nhóm dịch vụ du lịch. Để thu hút khách tham quan trải nghiệm, địa phương tổ chức làm mới các sản phẩm du lịch, mở thêm một số hoạt động nâng cao tay nghề cho người lao động về đan lát mây tre, dệt thổ cẩm, kỹ năng quản lý hoạt động du lịch cộng đồng.
Người Cơ Tu tại huyện miền núi Đông Giang đang dần phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Những phụ nữ dệt thổ cẩm, giờ là những hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Du khách đến đây, được thưởng thức ẩm thực truyền thống của cư dân địa phương và hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống.
Tuấn Hải
TCĐT Thiên nhiên và Môi trường – thiennhienmoitruong.vn – Đăng ngày 19/04/2023