Ngay trong những ngày đầu khai trương hoạt động hướng dẫn tham quan tại Làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, TP Hội An, rất nhiều du khách đã bày tỏ sự thích thú khi được trải nghiệm các hoạt động hướng đến giá trị cốt lõi “Làng quê – Làng nghề – Sông nước”, được chia sẻ hành trình hướng đến “Ngôi làng hạnh phúc” của cộng đồng cư dân bản địa…
Nghe nghệ nhân kể chuyện làng
Ươm mầm “Ngôi làng hạnh phúc”
TP Hội An vừa chính thức triển khai hướng dẫn tham quan Làng mộc Kim Bồng, một trong những hoạt động để dự án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại Làng mộc Kim Bồng dần thành hiện thực; đặc biệt, xây dựng các tiêu chí định hướng để Cẩm Kim trở thành “Ngôi làng hạnh phúc”.
“Không chỉ được nghe giới thiệu về lịch sử – văn hóa làng nghề, du khách còn được tận mắt xem người dân trình diễn, thử làm các nghề thủ công xưa như dệt chiếu, đan thúng chai. Đặc biệt, được tham quan các cơ sở đóng, sửa tàu thuyền, sản xuất mộc, nghe nghệ nhân kể chuyện làng, chuyện nghề; đi chợ, khám phá đời sống sinh hoạt hằng ngày của bà con”, anh Steven Rollwen, một du khách đến từ nước Anh hào hứng kể.
Dự án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại Làng mộc Kim Bồng thực hiện từ năm 2023-2025, là một trong số các mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt.
Mục tiêu dự án là cải thiện sinh kế cho người dân từ chính ngành nghề của họ thông qua phát triển du lịch nông thôn bền vững, dựa trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tài nguyên thiên nhiên; góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến xây dựng xã Cẩm Kim trở thành “Ngôi làng hạnh phúc”; tạo ra sự đa dạng trong sản phẩm trải nghiệm để đây thực sự là một điểm đến hấp dẫn dành cho du khách khi đến Hội An.
Nghệ nhân hướng dẫn các bạn trẻ học nghề mộc ở Kim Bồng
Kim Bồng – nơi khơi nguồn sáng tạo
Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh cho biết, thời gian qua, TP đã ban hành các quyết định phê duyệt thực hiện Đề án Xây dựng làng quê – làng nghề sinh thái xã Cẩm Kim giai đoạn 2021-2025; Phương án Khôi phục và phát triển du lịch tại Làng mộc Kim Bồng; Dự án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại Làng mộc Kim Bồng… cũng như tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng, cải tạo cảnh quan, thúc đẩy đầu tư và phát triển dịch vụ, đào tạo về kiến thức và kỹ năng nghề cho người dân địa phương, khuyến khích các mô hình khởi nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, sự kiện – lễ hội tại địa phương.
Đặc biệt, trong hồ sơ ứng cử Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, TP Hội An đã đưa ra sáng kiến liên quan đến Dự án Mộc Kim Bồng – Khơi nguồn sáng tạo, trong đó phát triển hơn nữa Làng mộc truyền thống Kim Bồng với nghề mộc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Dự án được kỳ vọng sẽ xây dựng mô hình thí điểm làng du lịch cộng đồng, với trọng tâm là đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ thiết kế sáng tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và đưa ra tầm nhìn phát triển Kim Bồng trở thành một trong những trung tâm giao lưu, sáng tạo của TP.
“Phát triển du lịch xanh, bền vững và các loại hình du lịch cộng đồng gắn với làng quê sinh thái là những nội dung đang được TP Hội An chú trọng hướng đến. Trong đó, Kim Bồng là một trong những làng nghề hội tụ đầy đủ các yếu tố về sinh thái, văn hóa – lịch sử, cơ sở vật chất, điều kiện xã hội… để phát triển trở thành điểm đến du lịch thu hút sự quan tâm của người dân địa phương và du khách”, ông Lanh chia sẻ.
Thời gian tới, TP sẽ phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng chương trình đào tạo nghề phù hợp cho phụ nữ và nhóm người yếu thế trong xã hội. Tổ chức các lớp truyền dạy, bồi dưỡng nghề chạm trổ, điêu khắc… cho thanh niên tại địa phương nhằm bồi dưỡng, đào tạo ra các lớp nghệ nhân kế cận. Duy trì thực hiện các nghi lễ, lễ hội truyền thống như lễ cúng Tiền hiền, giỗ Tổ nghề Mộc, lễ Cầu an và các lễ cúng gắn với đời sống lao động, sản xuất của người dân. Phát huy các nghề đặc trưng; giữ gìn, bảo tồn điểm di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Tham vấn ý kiến của tổ chức UNESCO về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa, du lịch và định hướng phát triển của làng nghề…
Làng Kim Bồng được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI, nổi tiếng với nghề mộc xây dựng, mộc gia dụng, mộc mỹ nghệ và đóng, sửa tàu thuyền. Người thợ Kim Bồng từng góp công xây dựng Kinh thành Huế, các công trình kiến trúc tại Hội An và nhiều khu vực lân cận. Năm 2005, Làng mộc Kim Bồng được công nhận Làng nghề truyền thống. Năm 2016, nghề mộc được Bộ VHTTDL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến nay, nghề mộc tại Kim Bồng vẫn đang được phát huy với hàng trăm nghệ nhân, thợ thủ công tài hoa, vẫn mỗi ngày bám trụ, giữ lấy tinh hoa nghề truyền thống mà cha ông đã tạo dựng. |
Khánh Chi