Tỉnh Long An từng bước xây dựng, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch, đặc biệt là những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, đủ sức cạnh tranh, góp phần tích cực vào phát triển KT-XH địa phương.
Đa dạng các sản phẩm du lịch
Long An đã và đang từng bước định hình, xây dựng các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh về tài nguyên du lịch, phát triển hệ thống sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh, hạn chế sự trùng lặp với các địa phương trong Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường.
Những sản phẩm du lịch của tỉnh hứa hẹn không chỉ mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, thúc đẩy ngành Du lịch tỉnh phát triển
Hiện nay, tỉnh xây dựng, tập trung phát triển 3 nhóm sản phẩm du lịch chủ yếu, gồm: Các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch sinh thái điển hình vùng Đồng Tháp Mười; các sản phẩm du lịch chính như sản phẩm được xây dựng trên cơ sở khai thác kết hợp các sản phẩm du lịch đặc thù; sản phẩm du lịch bổ trợ như xã hội hóa đầu tư các dịch vụ, sản phẩm hàng hóa, quà lưu niệm phục vụ du khách tại các khu di tích lịch sử, văn hóa.
Những sản phẩm du lịch của tỉnh hứa hẹn không chỉ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách mà còn góp phần quảng bá hình ảnh địa phương, thúc đẩy ngành Du lịch Long An phát triển. Du khách Lê Thị Thủy Tiên (quận 8, TP.HCM) chia sẻ: “Gia đình chọn Long An làm điểm đến cho những ngày nghỉ cuối tuần. Chúng tôi thường đến vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh để tham quan, trải nghiệm cũng như nghỉ dưỡng. Du lịch Long An có những bước phát triển đáng kể so với trước đây; đa dạng, phong phú về sản phẩm, loại hình du lịch, giúp tôi có sự chọn lựa phù hợp. Tuy nhiên, địa phương cần đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng, đổi mới cách làm để du khách thật sự được trải nghiệm khi đến với Long An”.
Điểm nhấn quan trọng khi đến với Long An, du khách có thể vừa tham quan, du lịch sinh thái, vừa khám phá những giá trị văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân vùng nước nổi, trải nghiệm hệ sinh thái đất ngập nước. Theo dược sĩ Bùi Đắc Thắng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười (huyện Mộc Hóa), với sự đa dạng sinh học, đặc biệt là các loại dược liệu quý hiếm, nơi đây trở thành khu du lịch sinh thái đặc trưng của tỉnh nói riêng, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và là khu rừng tràm gió nguyên sinh duy nhất tại Việt Nam. Đến đây, đặc biệt vào mùa nước nổi, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian của vương quốc chim, cò và thực vật mênh mông của vùng sông nước Đồng Tháp Mười; tham quan khu rừng tràm bạt ngàn, vườn dược liệu tập trung. Đồng thời, du khách còn được thưởng thức bữa ăn với các loại rau dược liệu, rau cải tự trồng bằng bã của các loại dược liệu; các loại cá rừng thiên nhiên; nước uống dược liệu tốt cho sức khỏe.
Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch
Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Xúc tiến Du lịch tỉnh – Lê Thị Hồng Thủy nhấn mạnh: Sản phẩm du lịch có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành Du lịch. Thời gian qua, tỉnh quan tâm phát huy tài nguyên du lịch bằng nhiều giải pháp hiệu quả, khả thi, nhất là công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng. Nhiều điểm du lịch, di tích lịch sử, văn hóa được đầu tư, tôn tạo, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch của tỉnh. Tỉnh cũng từng bước xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch tạo được sức thu hút, nhất là đối với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch nông thôn, du lịch vui chơi giải trí. Công tác xúc tiến, quảng bá nhằm giới thiệu thế mạnh, tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển du lịch địa phương cũng được đẩy mạnh thực hiện.
Với định hướng phát triển ngành Du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, việc phát triển sản phẩm du lịch là con đường ngắn nhất để Long An tạo nên thương hiệu và tự khẳng định hình ảnh địa phương. Sản phẩm du lịch đòi hỏi phải có nét đặc trưng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường, bảo tồn, tôn vinh được các giá trị tài nguyên và môi trường khu vực, đem lại hiệu quả KT-XH cao.
Theo bà Lê Thị Hồng Thủy, thời gian tới, để khai thác có hiệu quả những tiềm năng, phát triển du lịch, từng bước chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch cần đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; quan tâm về chính sách để phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch đặc thù. Tỉnh cần đầu tư phát triển hệ thống sản phẩm du lịch gắn với xây dựng thương hiệu, xúc tiến quảng bá; đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch đáp ứng yêu cầu tại các điểm; hướng dẫn và cung cấp thông tin về du lịch tỉnh ở những đầu mối giao thông quan trọng, các trọng điểm du lịch.
Đồng thời, tỉnh cần đẩy mạnh liên kết phát triển sản phẩm du lịch, mở rộng hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trên cả nước, các tỉnh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong phát triển du lịch tiểu vùng sông Mêkông mở rộng với TP.HCM và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.
Sơn Quê
Báo Long An Online – baolongan.vn – Đăng ngày 23/12/2022