Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng sẽ giúp Điện Biên bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc, đồng thời góp phần quan trọng vào mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, hoạt động du lịch đóng góp khoảng 10% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).
Du khách trải nghiệm múa xòe Thái cùng đồng bào dân tộc ở Điện Biên. Ảnh: Phương Liên
Tỉnh Điện Biên là nơi sinh sống của 19 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa cho tỉnh nhà. Một trong những nét đẹp văn hóa của các dân tộc được biểu hiện qua các lễ hội. Trước đây, các lễ hội ở Điện Biên có quy mô nhỏ, được tổ chức ở cấp thôn, bản, do chính người dân trực tiếp tổ chức, quản lý. Hiện nay, nhiều lễ hội của đồng bào các dân tộc đã được khôi phục và bảo tồn. Tiêu biểu như lễ cầu mưa của người Cống; lễ hội Klăng khùa, Zùsu của người Mông; lễ Xé pang ả của người Kháng; lễ cầu mưa của người Khơ Mú tại các xã Pa Thơm, Mường Phăng, Mường Mươn, huyện Điện Biên. Một số lễ hội đã được tổ chức ở quy mô cấp huyện, cấp tỉnh như: Lễ hội thành Bản Phủ huyện Điện Biên; lễ hội trên quê hương Anh hùng Vừ A Dính ở Pú Nhung, huyện Tuần Giáo; lễ hội Xên bản tại bản U Va, Co Mỵ, Noong Bua, huyện Điện Biên; lễ cúng bản tại di tích tháp Mường Luân, xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông…
Đặc biệt, tỉnh Điện Biên có 2 di sản văn hóa phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đó là nghệ thuật xòe Thái và Di sản thực hành tín ngưỡng Then của người Tày, Nùng, Thái vùng Tây Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, tỉnh Điện Biên còn có 18 di sản được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Lan Oanh (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) và Tiến sĩ Đỗ Cẩm Thơ (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam), du lịch tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa là một sản phẩm du lịch cần tiếp tục được ưu tiên phát triển ở Điện Biên. Đây chính là hình thức du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu các tập quán sinh hoạt, tập quán sản xuất và các sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số mà đông nhất tại Điện Biên chính là dân tộc Thái, dân tộc Mông. Thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng sẽ giúp địa phương chú trọng công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.
20 năm trước, tỉnh Điện Biên đã lựa chọn 8 bản: Noong Bua, Co Mỵ, Ten, U Va, Pe Luông, Phiêng Lơi, Him Lam 2 và Mển để xây dựng thành mô hình bản văn hóa phục vụ khách du lịch. Mỗi bản được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, chọn các hộ gia đình có điều kiện phù hợp để xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cộng đồng cho người dân tại các bản này. Các bản lập ra đội văn nghệ 15-20 người phụ trách hướng dẫn khách tham quan, phục vụ ẩm thực, biểu diễn văn nghệ, các trò chơi dân gian truyền thống, bảo đảm an ninh cho du khách.
Hiện nay, tỉnh Điện Biên có 12 bản văn hóa du lịch, 6 homestay, nổi bật là bản Phiêng Lơi, xã Thanh Minh và bản Che Căn, xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ; bản Mển, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên; bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ. Trong đó, bản Nà Sự là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên ở huyện vùng cao biên giới Nậm Pồ. Tại đây, du khách được khám phá, trải nghiệm thực tế sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con dân tộc Thái; trực tiếp tham gia chế biến món ăn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thưởng thức ẩm thực địa phương, nghỉ ngơi tại các hộ gia đình trong bản.
Theo bà Lê Thị Thùy Dung, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, du khách trong và ngoài nước biết đến Nà Sự nhiều hơn nhờ mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn phát triển văn hóa dân tộc Thái. Từ mô hình này đã hình thành, kết nối một số tour, tuyến kết hợp du lịch cộng đồng trải nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trải nghiệm vườn bí xanh, mô hình trồng rau thủy canh, dưa lưới trong nhà màng tại 2 huyện biên giới Nậm Pồ, Mường Nhé.
Đầu tháng 3/2023, UBND tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, các sản phẩm du lịch của tỉnh được định hướng phát triển theo 3 trụ cột chính, trong đó có một trụ cột là phát triển mô hình du lịch cộng đồng tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, các loại hình ca, múa, nhạc dân gian, thưởng thức văn hóa ẩm thực đặc trưng của dân tộc, các sản phẩm OCOP. Đồng thời, thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái – khám phá trên cơ sở khai thác thế mạnh hệ sinh thái rừng, sông, hồ, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn; tổ chức các lễ hội, lễ kỷ niệm hằng năm như: Lễ hội hoa ban, kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lễ hội thành Bản Phủ, lễ hội hoa anh đào…
Hiện nay, du lịch cộng đồng ở Điện Biên đang được định hướng phát triển theo mô hình lưu trú homestay với kiến trúc nhà truyền thống của đồng bào các dân tộc nhưng được cải tạo, trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch, các sản phẩm ẩm thực, sản phẩm văn hóa-văn nghệ, sản phẩm trải nghiệm nghề truyền thống, trải nghiệm nông nghiệp… ở những bản văn hóa du lịch giàu tiềm năng như: bản Phiêng Lơi, Che Căn, Kéo (thành phố Điện Biên Phủ); bản Tả Kố Khừ, huyện Mường Nhé; bản Nà Sự, huyện Nậm Pồ; bản Na Sang II, huyện Điện Biên…
Theo kiến giải của Giáo sư – Tiến sĩ Trương Quốc Bình (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia), Điện Biên là tên gọi do vua Thiệu Trị đặt năm 1841. “Điện” có nghĩa là vững chãi, “Biên” là vùng biên giới, biên ải. Theo cách kiến giải này thì Điện Biên là vùng biên giới vững chãi. Vùng biên đó nay đang là điểm đến sôi động vừa bởi yếu tố đặc biệt có quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ ghi dấu trong lòng du khách một định vị thương hiệu sắn có gắn với sự kiện lịch sử hào hùng, vừa có sự đa dạng của các loại tài nguyên du lịch bổ trợ, trong đó, bản sắc văn hóa độc đáo của 19 dân tộc anh em chính là điểm nhấn quan trọng. Điện Biên đang phát huy các lợi thế đó trong nỗ lực trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025.
Phương Liên
Báo Biên Phòng – bienphong.com.vn – Đăng ngày 04/5/2024