(TITC) – Du lịch Việt Nam đang phục hồi và phát triển rất nhanh chóng trong những năm gần đây và đang trên hành trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Ngành du lịch cũng đặt ra vấn đề phát triển du lịch bền vững, trong đó nhấn mạnh việc bảo vệ môi trường ở các điểm đến du lịch trên toàn quốc.
Sản phẩm nhựa được sử dụng nhiều nhất trong du lịch là dưới dạng bao bì như chai nước suối dùng trong quá trình di chuyển trên ô tô, khi tham quan…, trong các cơ sở lưu trú, phục vụ các sự kiện, hội nghị, hội thảo…, hay các gói thức ăn nhanh, thức ăn nấu sẵn. Ngoài ra, các sản phẩm nhựa như thuyền đáy kính, xuồng cao tốc, các thiết bị vui chơi giải trí, đồ dùng trong khách sạn… cũng được sử dụng khá phổ biến. Chính sự gia tăng sử dụng sản phẩm nhựa sẽ làm lượng chất thải nhựa phát sinh ngày một tăng trong hoạt động phát triển du lịch, đặc biệt là ở Việt Nam.
Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân bị hạn chế đi lại, các doanh nghiệp du lịch cũng bị ngưng hoạt động trong một thời gian dài, lượng rác thải từ ngành du lịch bao gồm các cơ sở lưu trú, nhà hàng, hàng không… đã giảm mạnh.
Để giảm tác động lên môi trường nói chung và giúp việc quản lý chất thải nhựa nói riêng đối với phát triển du lịch bền vững, hiện nay, nhiều doanh nghiệp du lịch đã tìm cách cải thiện tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, sản phẩm dùng 1 lần, phù hợp với loại hình kinh doanh. Thay vì phát chai nhựa cho khách, một số đơn vị chuyển dần sang chuẩn bị các bình nước lớn hoặc bình nước thủy tinh và yêu cầu khách lấy nước từ bình, tái sử dụng chai đựng nước.
Các phòng họp, khách sạn cũng chuyển sang dùng cốc, chai thủy tinh để sử dụng nhiều lần. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ đang dần thay ống hút nhựa và bằng các sản phẩm từ inox, gạo, tre… Một số doanh nghiệp du lịch còn tổ chức các tour nhặt rác trên biển, các địa điểm đông khách du lịch… hoặc yêu cầu khách mang rác của họ về sau các chuyến trekking đường rừng.
Trung tâm Thông tin du lịch