Cách Hà Nội hơn 1 giờ chạy xe, làng gốm Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) hội tụ đủ tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, cùng với nghề gốm đã có tuổi đời gần 800 năm.
Có dịp đến làng Phù Lãng (Bắc Ninh), du khách dễ dàng nhận ra các sản phẩm gốm truyền thống có mặt ở khắp nơi, như bình, chậu, chum dùng để trồng cây cảnh ngoài vườn hay để trồng đào, quất mỗi dịp Tết đến Xuân về. Tương truyền nghề gốm ở đây đã hình thành và phát triển gần 800 năm.
Du lịch và gốm
Không dừng lại ở việc làm ra những sản phẩm gốm, người dân Phù Lãng đang mong muốn ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến làng nghề gốm Phù Lãng. Một hướng phát triển mới cho làng nghề là phát triển du lịch cộng đồng và trải nghiệm văn hóa nông thôn. Gần đây Phù Lãng đã bắt đầu đón khách từ các tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương… và một số đoàn khách quốc tế.
Du khách Nhật Bản trải nghiệm vẽ gốm tại Phù Lãng
Vài năm gần đây, ông Trần Văn Thắng bắt đầu liên kết với các cơ sở làm gốm trong làng Phù Lãng để đưa khách đến trải nghiệm, sao cho lợi ích được chia sẻ và nhiều người dân có thêm thu nhập. Các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu trải nghiệm làm gốm cũng dần được hình thành tại Phù Lãng trên cơ sở gìn giữ văn hóa địa phương.
Ông Trần Văn Thắng cho biết: “Khách đến đây được giới thiệu về sự hình thành phát triển của làng nghề, nghề gốm, được trải nghiệm quá trình làm gốm cùng người dân, thậm chí đóng vai nghệ nhân làm gốm. Đặc biệt khách nước ngoài rất thích tìm hiểu về quá trình sản xuất gốm và văn hóa địa phương. Chúng tôi đang nỗ lực quảng bá thương hiệu du lịch làng nghề gồm Phù Lãng tại các hội chợ, triển lãm trong nước cũng như kết nối với doanh nghiệp du lịch để đưa khách tới”.
Một số cơ sở đón khách du lịch đã được hình thành tại Phù Lãng.
Một trong các địa chỉ quen thuộc mỗi khi du khách đến Phù Lãng là xưởng gốm Nhâm Giang. Chủ cơ sở này – ông Vũ Hữu Nhâm cho biết lượng khách chủ yếu là học sinh phổ thông hoặc sinh viên ngành mỹ thuật từ Hà Nội đến thực hành, nghiên cứu.
Theo ông Nhâm, nghề gốm tại Phù Lãng đang đứng trước cơ hội đổi mới: “Chúng tôi vẫn giữ những nét truyền thống, vẫn bán những mặt hàng đó nhưng nếu muốn làm giàu từ du lịch thì phải thay đổi. Hiện du khách đến làng ít ngủ lại qua đêm, cũng ít mua những chum, chậu cỡ lớn. Sản phẩm cần đổi mới mẫu mã, theo xu hướng mới và nhỏ gọn hơn. Cũng cần một bảo tàng hoặc khu trưng bày chung để giới thiệu về nghề gốm Phù Lãng”.
Bên trong một lò gốm truyền thống tại Phù Lãng. Ảnh: Trần Thắng
Điều không thể mất tại Phù Lãng
Bên cạnh trải nghiệm về gốm, điều hấp dẫn du khách khi đến Phù Lãng là không gian làng quê thanh bình và người dân hiền lành, chất phác. Nơi đây vẫn lưu giữ nét xưa của một làng quê Kinh Bắc với những mái ngói ngả màu nâu, ngõ nhỏ lát gạch và nhiều lò gốm truyền thống. Cả làng tựa vào chân đồi, với dòng sông Cầu êm đềm bao quanh. Gần đó là những di tích cổ kính gắn liền với lịch sử ngôi làng như đình làng Phù Lãng, chợ Lãng hay chùa Phúc Long…
“Khác với một số làng nghề gốm đã trở nên hiện đại và nhiều nhà cao tầng, làng gốm Phù Lãng vẫn còn nguyên cảnh quan tự nhiên rất đặc trưng của một miền quê như con sông, triền đê, sân đình… Các món ăn cũng rất mộc mạc, dân dã, chủ yếu là những sản vật tại địa phương. Đến đây du khách thực sự được nghỉ ngơi trong khung cảnh thư thái và không khí trong lành”, ông Trần Văn Thắng cho biết.
Ông Onimaru Hekizan (giữa) đang hướng dẫn các học viên tại làng gốm Phù Lãng.
Vẻ đẹp thiên nhiên tại Phù Lãng cũng là lý do chính khiến nghệ nhân Onimaru Hekizan từ Nhật Bản quyết định gắn bó với ngôi làng. Ông Onimaru cho biết với nguồn vốn của Dự án JICA, ông cùng các cộng sự đến Việt Nam giúp dân làng đa dạng hóa sản phẩm gốm và có thêm kinh nghiệm phát triển du lịch bền vững.
“Các sản phẩm của tôi đã đi khắp thế giới và luôn được đánh giá cao vì dùng nguyên liệu tự nhiên. Tuy nhiên thực tế là nhiều nơi đã phát triển nóng và đánh mất yếu tố này. Tôi chọn Việt Nam và cụ thể là Phù Lãng vì nơi này còn nguyên vẻ đẹp tự nhiên và nghề truyền thống. Nghề gồm ở đây còn nhiều yếu tố thủ công, phong cảnh làng quê và ít nhà cao tầng. Điều quan trọng nhất với Phù Lãng là trong tương lai vẻ đẹp tự nhiên vẫn phải được bảo vệ, vì nếu đánh mất sẽ không thể lấy lại được”, ông Onimaru nói.
Ngoài những khóa đào tạo nghề gốm thủ công và phương pháp nâng cao giá trị sản phẩm gốm cho người dân Phù Lãng, dự án của Nhật Bản đã đưa nhiều học viên tới tham quan làng nghề gốm cổ ở tỉnh Fukuoka và tỉnh Oita, đồng thời học hỏi cách phát triển du lịch cộng đồng.
Sau chuyến đi này, Bùi Thanh Hà Nam – một nghệ nhân gốm trẻ tuổi ở Phù Lãng cho biết: “Những làng nghề gốm ở Nhật Bản làm du lịch rất khéo léo. Câu chuyện của họ hấp dẫn du khách vì những sản phẩm có giá trị cao, mẫu mã hiện đại phù hợp với thị hiếu nhưng vẫn tôn trọng yếu tố truyền thống, sử dụng nguyên liệu địa phương. Môi trường được bảo vệ nghiêm ngặt, người dân trong làng rất đoàn kết và đồng lòng làm du lịch”.
Những cơ sở gốm tại Phù Lãng đã dần được du khách biết đến. Ảnh: Bùi Huân
Những nghệ nhân trẻ tại Phù Lãng như Bùi Thanh Hà Nam hay Bùi Văn Huân đều thấy rằng, trong ngành du lịch, sản phẩm gốm không cần kích thước lớn mà phải truyền tải được câu chuyện, cảm xúc, đam mê của người làm ra: “Trước đây những món đồ gốm ở Phù Lãng quá to, tốn nhiều nguyên liệu để làm mà giá trị không cao, mà khách du lịch cũng không thể mua và mang theo những món đồ cồng kềnh như vậy. Bây giờ chúng tôi tạo ra những đồ gốm nhỏ gọn hơn, tinh xảo hơn nhưng chứa đựng cảm xúc và tư duy”.
Nghệ nhân Onimaru Hekizan tin rằng nghệ gốm ở Phù Lãng bắt buộc phải phát triển theo hướng thân thiện với môi trường, đồng thời tạo ra những sản phẩm, trải nghiệm phù hợp với khách du lịch. Ông kỳ vọng các nghệ nhân trẻ tại Phù Lãng sẽ phát triển nghề gốm theo hướng bền vững, từ đó không chỉ làm kinh tế cho bản thân mà còn lan tỏa lợi ích sang cộng đồng và cả truyền dạy cho những thế hệ sau.
Hải Nam
Báo điện tử VOV – VOV.VN – Đăng ngày 27/3/2024