(TITC) – Tại Hội thảo tham vấn về quy trình chứng nhận tiêu chuẩn du lịch ASEAN và xét duyệt giải thưởng du lịch ASEAN, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh, bền vững và quy trình lựa chọn các ứng viên tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN của tỉnh.
Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững – lợi thế cạnh tranh của ngành du lịch tỉnh Quảng Nam
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam nhận định, tỉnh có những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa, lịch sử để phát triển du lịch, nổi bật với 02 di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An, khu Đền tháp Mỹ Sơn; di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An cùng nhiều giá trị về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, con người và ẩm thực đã tạo nên điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Dựa trên những ưu thế riêng có Quảng Nam về tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống, đặc biệt là nơi có 02 di sản văn hóa thế giới, các di tích văn hóa, lịch sử thì việc phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng “xanh hóa” là cần thiết.
Quảng Nam đã và đang tập trung phát triển, tạo ra những sản phẩm du lịch xanh, dựa vào nền tảng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, tạo cơ hội cho việc bảo tồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững. Đến nay, Quảng Nam là tỉnh tiên phong đi đầu về phát triển du lịch xanh, cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Chương trình Du lịch Bền vững Thụy Sĩ do Cục Hợp tác kinh tế Liên bang Thụy Sĩ hỗ trợ cho Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Bộ Tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam gồm 6 chủ thể: du lịch cộng đồng, doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan, khu nghỉ dưỡng, khách sạn và homestay.
Du lịch xanh Quảng Nam được xây dựng, phát triển dựa trên 3 nguyên tắc phát triển du lịch bền vững là: (1) sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho nhu cầu phát triển du lịch; (2) Hạn chế các tác động từ hoạt động du lịch đến môi trường; và (3) Ưu tiên phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường và gắn với lợi ích của cộng đồng.
Nhờ vào những nỗ lực này, thương hiệu du lịch Quảng Nam – Hội An, Mỹ Sơn đã được nhiều tạp chí, trang mạng quốc tế uy tín bình chọn là điểm đến được yêu thích khi du lịch Việt Nam. Đặc biệt, Phố cổ Hội An đã nhận hàng chục danh hiệu được bình chọn từ các Tạp chí, chuyên trang du lịch danh tiếng trong nước và quốc tế nhiều năm liền.
Kinh nghiệm hướng dẫn và lựa chọn các ứng viên tham gia giải thưởng du lịch ASEAN trên địa bàn tỉnh
Để lựa chọn ứng cử viên tham gia Giải thưởng du lịch ASEAN, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam căn cứ vào các tiêu chuẩn du lịch ASEAN: Thành phố du lịch sạch, Du lịch cộng đồng, Khách sạn xanh, Nhà ở có phòng cho thuê, Địa điểm tổ chức MICE, Nhà vệ sinh công cộng, Dịch vụ spa. Cùng với đó là các tiêu chí, cách thức, quy trình đánh giá của các tiêu chuẩn du lịch ASEAN để vận động, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, các điểm đến trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng và gửi về Sở xem xét.
Trên cơ sở hồ sơ đăng ký tham gia Giải thưởng của các đơn vị, doanh nghiệp, các điểm du lịch cộng đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan tổ chức khảo sát thực tế, đánh giá và lựa chọn những ứng viên xuất sắc, đảm bảo chất lượng đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn theo quy định và gửi Tổng cục Du lịch xem xét, trình Bộ Trưởng các quốc gia thành viên ASEAN.
Trong nhiều năm liền, ngành du lịch Quảng Nam vinh dự nhận đạt được những hạng mục uy tín trong giải thưởng Du lịch ASEAN như: Giải thưởng Homestay ASEAN năm 2016 (Cộng đồng làng chài ven biển An Bàng, Hội An); Giải thưởng Homestay ASEAN năm 2018 (Homestay Thanh Nam – Hội An) và giải thưởng Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN năm 2018 (làng du lịch cộng đồng Triêm Tây – Thị xã Điện Bàn); Khách sạn du lịch xanh ASEAN (Four Seasons The Nam Hải, Dấu ấn Hội An, Palm Garden Beach Resort…), Giải thưởng Du lịch nông thôn ASEAN (Trang trại hữu cơ Thanh Đông, Hội An), Giải thưởng Dịch vụ Spa ASEAN (My Chi Wellness & Spa (Almanity Hội An Wellness Resort, Hội An), Giải thưởng Địa điểm triển lãm, sự kiện (Khách sạn nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An); giải thưởng du lịch cộng đồng ASEAN (điểm du lịch cộng đồng Triêm Tây, Điện Bàn năm 2017, Làng du lịch cộng đồng Cơ Tu, Nam Giang năm 2019)… Giải thưởng này mang ý nghĩa rất quan trọng đối với địa phương cũng như doanh nghiệp, là cơ hội để các đơn vị quảng bá thương hiệu địa phương, thương hiệu doanh nghiệp; đồng thời là cơ hội khẳng định chất lượng chuyên nghiệp, thân thiện môi trường và mang đến lợi ích cho cộng đồng.
Trung tâm Thông tin du lịch