(TITC) – Tại Hội thảo tham vấn về quy trình chứng nhận tiêu chuẩn du lịch ASEAN và xét duyệt giải thưởng du lịch ASEAN, Sở Du lịch Quảng Ninh đã chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn và quy trình lựa chọn các ứng viên tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN của tỉnh.
Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, nằm ở địa đầu vùng Đông Bắc, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù của Việt Nam nên đã từng được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví như “một Việt Nam thu nhỏ”. Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi và lợi thế khác biệt lớn về tài nguyên để phát triển du lịch, tiêu biểu như vịnh Hạ Long – Danh thắng quốc gia đặc biệt, đã được UNESCO hai lần công nhận Di sản thế giới, được bầu chọn là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới vào năm 2011; Yên Tử – Di tích lịch sử đặc biệt quốc gia, trung tâm hình thành phát triển Phật Giáo Trúc Lâm Việt Nam; đồng thời là một trong những trung tâm du lịch tâm linh lớn nhất cả nước. Trải dài khắp địa bàn tỉnh Quảng Ninh từ thị xã Đông Triều đến địa đầu Tổ quốc Móng Cái là trên 600 di tích lịch sử đã được xếp hạng, nhiều lễ hội văn hóa truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc vùng miền, dân tộc. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn nổi tiếng bởi những vùng biển đảo với cảnh quan nên thơ, hùng vĩ như Vân Đồn, Cô Tô với các bãi biển đẹp Trà Cổ, Minh Châu, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Sơn Hào… Sự kết hợp hài hòa, phong phú giữa các nguồn lực tài nguyên hùng vĩ, cảnh quan thơ mộng và kho tàng văn hóa đồ sộ đậm đà bản sắc dân tộc là một thế mạnh của du lịch Quảng Ninh trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Được sự quan tâm của Trung ương, các bộ, ngành, sự chủ động tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, nhất là sau khi triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, hoạt động du lịch Quảng Ninh đã có bước tiến quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh. Du lịch Quảng Ninh từng bước khẳng định thương hiệu, vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế trở thành một trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực. Công tác quản lý nhà nước về du lịch đã được tăng cường và không ngừng đổi mới, đặc biệt là việc hoạch định chiến lược, định hướng, ban hành các chính sách quản lý, quy hoạch… đã được chú trọng và tập trung chỉ đạo. Công tác đầu tư hạ tầng đã tập trung vào những hạng mục chủ yếu, cấp bách, bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển; không gian du lịch tiếp tục được mở rộng đến các địa phương trong tỉnh, Quảng Ninh hiện có 12/13 địa phương được công nhận các tuyến, điểm du lịch, cụ thể toàn địa bàn có 33 tuyến và 91 điểm du lịch, 05 khu du lịch cấp tỉnh (khu du lịch Bình Liêu, khu du lịch Cô Tô, khu du lịch Hồ Yên Trung- Uông Bí, khu du lịch Cái Chiên – Hải Hà, khu du lịch Quan Lạn – Minh Châu -Vân Đồn), 01 khu du lịch quốc gia (khu du lịch quốc gia Trà Cổ – Móng Cái).
Với sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, trong những năm gần đây, du lịch Quảng Ninh đã đạt được sự tăng trưởng cao cả về chất và lượng góp phần quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh; đặc biệt là hệ thống lưu trú du lịch tăng mạnh cả về chất lượng và số lượng. Năm 2016: toàn tỉnh có 877 cơ sở lưu trú được xếp hạng với 13.062 phòng (trong đó: 20 khách sạn 4-5 sao với 3.692 phòng); 13 khách sạn 3 sao với 949 phòng. Năm 2022: Quảng Ninh có 11.654 cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng với 33.593 phòng, trong đó: 58 khách sạn 4-5 sao và quy mô tương đương từ 80 phòng trở lên với 10.133 phòng; 36 khách sạn 3 sao 2.240 phòng;152 tàu thủy lưu trú du lịch 1.905 phòng. So sánh giữa năm 2016 và năm 2022 hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Quảng Ninh tăng 10.777 cơ sở với 20.531 phòng (năm 2022 số phòng tăng gấp 2,5 lần so với năm 2016), trong đó khách sạn 4-5 sao và quy mô tương đương từ 80 phòng trở lên tăng 6.441 phòng (năm 2022 số phòng tăng gấp 2,7 lần so với năm 2016).
Cùng với sự tăng trưởng mạnh của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch, Quảng Ninh đã thu hút nhiều tập đoàn quản lý khách sạn cao cấp như: Inter Continental, Accor, Wyndham Legend, Novotel, Best Western International, tập đoàn Mường Thanh, tập đoàn Sungroup, tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC…, tàu thủy lưu trú du lịch, tàu nhà hàng được đầu tư chất lượng cao.
Kinh nghiệm hướng dẫn và quy trình lựa chọn các ứng viên tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN
Để triển khai đồng bộ công tác hướng dẫn áp dụng bộ tiêu chuẩn ASEAN, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, nâng cao năng lực bảo vệ môi trường của những người làm du lịch cũng như lựa chọn những địa phương, đơn vị có sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chất lượng cao, góp phần phát triển bền vững các điểm đến du lịch của khu vực ASEAN, trong những năm qua du lịch Quảng Ninh đặc biệt chú trọng, chủ động tích cực triển khai đồng bộ các hoạt động cụ thể:
Về công tác tham mưu, định hướng: chủ trì, phối hợp các các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tham gia ý kiến cho gần 90 dự thảo kế hoạch, dự án, đề án, quy hoạch, văn bản liên quan đến lĩnh vực du lịch gắn với bảo vệ môi trường, tiêu biểu như: Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Báo cáo triển khai xây dựng Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội huyện Bình Liêu đến năm 2030; Dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh tỉnh Quảng Ninh; Hội thảo “Xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển bền vững tại các điểm du lịch cộng đồng ở Việt Nam”; Thẩm định đề cương dự án “Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh”….
Về công tác tuyên truyền: căn cứ các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, hàng năm Sở Du lịch Quảng Ninh đã kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, lựa chọn, làm hồ sơ tham gia giải thưởng Du lịch ASEAN; trên cơ sở hồ sơ tham gia của các đơn vị, Sở Du lịch Quảng Ninh phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh lựa chọn ứng viên tiêu biểu nhất để ứng tuyển. Bên cạnh việc tham gia tích cực các đợt đề cử trao giải hàng năm do Tổng cục Du lịch tổ chức, hàng năm Sở Du lịch Quảng Ninh chủ động lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến các bộ tiêu chuẩn ASEAN vào các chương trình kiểm tra, rà soát, Hội nghị, Hội thảo, Toạ đàm (Giải pháp ứng dụng Khách sạn Xanh ASEAN tại Quảng Ninh, Bảo tồn phát huy giá trị ẩm thực Quảng Ninh phục vụ khách du lịch, Phát triển Du lịch MICE Quảng Ninh, Phát huy giá trị ẩm thực Quảng Ninh phục vụ du lịch ).
Cùng với đó, hàng năm Sở Du lịch Quảng Ninh đã tổ chức các chương trình tuyên truyền phổ biến pháp luật, trong đó chú trọng phổ biến, hướng dẫn áp dụng thực hiện Bộ tiêu chuẩn ASEAN. Từ khi khởi động Giải thưởng ASEAN năm 2008 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã có 06 đơn vị vinh dự được nhận giải thưởng ASEAN: (1) Giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN (02 khách sạn): Sài Gòn Hạ Long (năm 2010), Novotel Hạ Long Bay (năm 2020). (2) Giải thưởng Địa điểm tổ chức MICE ASEAN (02 khách sạn): Khách sạn nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long (năm 2018), khách sạn Mường Thanh Quảng Ninh (năm 2020). (3) Giải thưởng Sản phẩm Du lịch bền vững ASEAN (01 đơn vị): Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ thành phố Móng Cái (năm 2020). (4) Giải thưởng Thành phố Du lịch sạch ASEAN (01 đơn vị): thành phố Hạ Long (năm 2022).
Các đơn vị được vinh danh đã góp phân nâng cao hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Ninh, khẳng định chất lượng dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường và mang lại lợi ích cho cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững.
Trung tâm Thông tin du lịch