Theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 34 của Tỉnh ủy về phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Khánh Vĩnh được định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.
Hình thành các làng du lịch cộng đồng
UBND huyện Khánh Vĩnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc thiểu số huyện Khánh Vĩnh giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, bên cạnh mô hình du lịch sinh thái núi rừng, huyện định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 3 khu du lịch cộng đồng hướng theo mô hình nông nghiệp đã đi vào hoạt động là: Khu du lịch Hoa Quả Sơn (xã Khánh Trung), Khu du lịch sinh thái Tiên Long Farm (xã Khánh Phú) và Khu hợp tác xã canh nông Nha Trang – Đà Lạt (xã Cầu Bà); còn lại 11 điểm đang thu hút đầu tư phát triển du lịch cộng đồng tại các xã: Sông Cầu, Khánh Phú, Khánh Nam và Khánh Hiệp.
Du khách tham quan khu du lịch cộng đồng huyện Khánh Vĩnh.
Ông Văn Dũng Chinh – Ban cố vấn Khu hợp tác xã canh nông Nha Trang – Đà Lạt cho biết, với nhiều cảnh đẹp, thiên nhiên hoang sơ, nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số, giao thông thuận lợi, kết nối với TP. Nha Trang và TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Khánh Vĩnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Hoạt động từ năm 2022, Khu hợp tác xã canh nông Nha Trang – Đà Lạt đã đón nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước đến vui chơi, ngắm cảnh, thưởng thức các món ăn đặc sản ở địa phương. Ông Chinh chia sẻ: “Du khách rất thích thú khi được trải nghiệm du lịch cộng đồng, giao lưu, thưởng thức các món ăn của đồng bào Raglai. Nếu huyện Khánh Sơn được nhắc đến với lễ hội trái cây, trong tương lai Khánh Vĩnh có thể tổ chức lễ hội về ẩm thực, trang trại thảo dược hấp dẫn không kém. Huyện nên phát triển du lịch cộng đồng theo hướng cả làng làm du lịch, chứ không manh mún một vài cá nhân, tổ chức”.
Du khách cùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Vĩnh giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại.
Bà Ca Tông Thị Mến – Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều vườn cây ăn quả, trang trại trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp. Đây là cơ sở để tổ chức các hoạt động du lịch như: Tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức tại vườn hoặc trải nghiệm làm nông dân… Để tăng sức hấp dẫn, chúng tôi sẽ tổ chức lễ hội cổ truyền như lễ ăn mừng đầu lúa mới, cùng với ẩm thực như: Làm bánh, chế biến các món ăn từ cây trái, các món ăn từ thịt gà, thịt heo hay chế biến cá suối của người Raglai…”.
Dự kiến, giai đoạn 2024 – 2025, Khánh Vĩnh sẽ hình thành 3 làng du lịch cộng đồng: Phía bắc là làng du lịch cộng đồng tại xã Khánh Trung và Khánh Hiệp; phía tây là làng du lịch cộng đồng tại xã Khánh Thượng hoặc Giang Ly; khu vực trung tâm là mô hình du lịch cộng đồng tại xã Khánh Phú. Đồng thời, huyện đang nghiên cứu đầu tư để thực hiện thí điểm mô hình làng Raglai tại một thôn của xã Khánh Trung, với các hoạt động thường nhật của người dân như: Làm rẫy, chăn nuôi, chế biến các món ăn dân dã của người Raglai. Để du khách hiểu thêm về truyền thống của người Raglai, huyện sẽ tổ chức các lớp hướng dẫn đan gùi, dệt thổ cẩm hoặc hướng dẫn du khách đánh mã la, chơi đàn đá, làm đàn chapi… Theo đề án du lịch nói trên, kinh phí đầu tư cho 10 làng du lịch cộng đồng đến năm 2030 vào khoảng 120 tỷ đồng.
Tập trung xây dựng và quảng bá
Để phát triển du lịch bền vững, phát huy được nét đặc sắc văn hóa bản địa của các dân tộc, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, Khánh Vĩnh đã kiến nghị các sở, ngành lồng ghép vào các chương trình, dự án, đề án của ngành về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, tôn tạo các di tích lịch sử để hình thành sản phẩm du lịch gắn kết với di sản văn hóa; Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa hỗ trợ xây dựng tour du lịch lữ hành trên địa bàn huyện.
Du khách thưởng thức các món ăn ở huyện Khánh Vĩnh.
Theo bà Ca Tông Thị Mến, để phát triển sản phẩm du lịch trong thời gian tới, Khánh Vĩnh đang xây dựng kế hoạch phát triển du lịch hàng năm, định hướng đến năm 2030. Trong đó, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung hoạt động cụ thể nhằm hình thành, phát triển, quảng bá các sản phẩm, dịch vụ du lịch của địa phương. Cùng với đó, tiếp tục tham gia và tổ chức các chương trình phối hợp, xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp du lịch xây dựng các gói sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc, mang nét đặc trưng của địa phương; nâng cao chất lượng dịch vụ để kích cầu thu hút khách du lịch. Đồng thời, triển khai có hiệu quả Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; tăng cường kiểm tra, giám sát và quản lý có hiệu quả hoạt động du lịch của các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn huyện; khuyến khích và hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ hoàn thiện các hồ sơ pháp lý để được công nhận là khu, điểm, cơ sở du lịch theo quy định của pháp luật.
Thái Thịnh
Báo Khánh Hòa – baokhanhhoa.vn – Đăng ngày 09/07/2024