(TITC) – Khánh Hòa là một tỉnh có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, nhất là cảnh quan môi trường sinh thái biển để phát triển kinh tế du lịch, đặc biệt là về khí hậu đã tạo điều kiện cho hoạt động du lịch ở Khánh Hòa có thể diễn ra quanh năm.
Tận dụng những lợi thế từ nhiên nhiên ban tặng và sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo tỉnh trong những năm qua, ngành du lịch Khánh Hòa đã được quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch; tập trung phát triển mạnh các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển chất lượng cao kết hợp với vui chơi giải trí trên biển, tham quan và khám phá đại dương, các cơ sơ lưu trú, các khu điểm để thu hút khách du lịch đến với Nha Trang – Khánh Hòa.
Năm 2023, ngành du lịch Khánh Hòa đứng trước nhiều cơ hội khôi phục hoạt động sau đại dịch Covid-19 khi các nước mở cửa trở lại. Đồng thời, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa, cùng sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp du lịch, hoạt động Du lịch Khánh Hòa đã dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng nhờ đó hoạt động du lịch dần được khởi sắc.
Theo định hướng chung của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020; Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ và Quyết định số 1726/QĐ- BVHTTDL ngày 04/7/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, cũng như quy hoạch tỉnh Khánh Hòa đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt; đến năm 2030 Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển.
Sự tăng trưởng của ngành Du lịch đã góp phần tăng tỷ trọng dịch vụ, du lịch trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển các ngành kinh tế khác và đặc biệt là hiệu quả xã hội từ hoạt động du lịch mang lại, trong đó có vấn đề giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Giải thưởng Du lịch ASEAN là sự kiện thường niên nhằm tôn vinh các địa phương, đơn vị có sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chất lượng cao, góp phần phát triển bền vững các điểm đến du lịch của khu vực ASEAN. Giải thưởng là cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch, tổ chức du lịch địa phương tiếp thị hiệu quả hoạt động kinh doanh và góp phần quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia. Giải thưởng Du lịch ASEAN không chỉ là vinh dự, mà còn là một tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng du lịch. Những địa điểm xuất sắc không chỉ đáp ứng các yếu tố văn hóa mà còn chú trọng đến bảo vệ môi trường và tạo ra trải nghiệm độc đáo cho du khách. Giải thưởng không chỉ đánh giá nền du lịch mà còn là đòn bẩy để thúc đẩy các biện pháp bảo vệ môi trường và duy trì văn hóa địa phương. Theo đó, các quốc gia thành viên ASEAN đã xây dựng bộ tiêu chuẩn để chuẩn hóa dịch vụ du lịch nhằm xác định khung tiêu chí chung, từ đó, các nước trong khu vực thống nhất thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng ASEAN trở thành một điểm đến chung chất lượng.
Chiến lược phát triển Du lịch ASEAN 2016 – 2025 xác định tầm nhìn đến năm 2025 sẽ trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm, toàn diện, cân bằng; đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của người dân trong toàn khu vực…
Vì vậy, việc áp dụng tiêu chuẩn du lịch ASEAN sẽ giúp đảm bảo rằng các hoạt động du lịch tại Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung được thực hiện một cách bền vững. Bằng cách tuân thủ tiêu chuẩn này, ngành du lịch Khánh Hòa có thể giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường và duy trì sự cân bằng hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trung tâm Thông tin du lịch