Nhắc đến ẩm thực Tây Nguyên, người ta vẫn luôn nghĩ đến gà nướng, cơm lam, rượu cần. Nhưng với ẩm thực Gia Lai không chỉ dừng lại ở đó mà sẽ mang lại nhiều hấp dẫn bởi sự phong phú, đặc sắc của những món ăn từ nhà hàng sang trọng cho đến ẩm thực đường phố tạo nên nét riêng của vùng đất bazan đầy nắng và gió này.
Trải nghiệm ẩm thực địa phương
Với hai dân tộc thiểu số Bahnar và Jrai chiếm tỷ lệ khá cao trong dân số của tỉnh đã có những ảnh hưởng lớn đến văn hóa ẩm thực của Gia Lai. Những món ăn truyền thống (cơm lam, gà nướng, thịt heo nướng, lá mì cà đắng, rượu cần) đang trở thành đặc sản và luôn có mặt tại các sự kiện văn hóa, du lịch, thương mại của tỉnh như: Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (Pleiku), “Lễ hội hoa Dã quỳ – Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh), Ngày hội du lịch huyện Kbang (huyện Kbang)… Không chỉ có sự kiện thì du khách mới thưởng thức được những món ngon này, mà Gia Lai còn có hệ thống nhà hàng mang phong cách Tây Nguyên chuyên phục vụ những món ngon đặc sản thể hiện đặc trưng riêng trong chế biến món ăn và cả trong phong cách phục vụ. Du khách rất quen với các địa chỉ như: Nhà hàng Tơ Nưng, Plei Cồng Chiêng, Ksor Hnao… và luôn kết hợp chương trình văn nghệ cồng chiêng vào buổi tối để du khách cùng thưởng thức. Nếu những ai yêu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và cùng trải nghiệm ẩm thực truyền thống của dân tộc thiểu số thì làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng) hay làng Kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung) ở huyện Kbang sẽ là điểm đến của du khách. Đến các buôn làng này, du khách cùng trải nghiệm những món ăn của núi rừng như: đọt mây chấm muối ớt, hoa nghệ xào, thịt heo gác bếp, cá suối nướng, tép đùm lá chuối, canh ốc với ngọn ting ting, bánh củ mì… và đặc biệt là hoà mình trong âm vang của cồng chiêng bên bếp lửa bập bùng, cùng múa xoang với dân làng.
Thưởng thức món ngon tại các nhà hàng
Được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông hồ, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng đã mang lại cho Gia Lai nguồn nguyên liệu thực phẩm chế biến thành những món ngon với những cái tên rất quen thuộc trong thực đơn tại các nhà hàng mà du khách không thể bỏ qua. Sông Sê San bắt nguồn từ phía Nam dãy Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum) chảy qua tỉnh Gia Lai, dòng sông này đã sản sinh ra một số loại cá da trơn quý hiếm như cá anh vũ (còn gọi là cá tiến vua), cá lăng, cá chình; qua bàn tay chế biến của đầu bếp đã trở thành món ngon hấp dẫn luôn được ưu tiên trong sự lựa chọn của du khách: cá anh vũ hấp, cá chình nướng nghệ, lẩu cá lăng… Bên cạnh đó, những cái tên đã trở thành thương hiệu cho ẩm thực Gia Lai: Bò một nắng – muối kiến Krông Pa, rau rừng Gia Lai, gỏi tép Biển Hồ, heo sọc dưa 7 món, gà đi bộ lên mâm… Du khách có thể thưởng thức những đặc sản này tại bất kỳ nhà hàng nào của phố núi Pleiku.
Khám phá ẩm thực đường phố
Ẩm thực đường phố của Gia Lai cũng không thể thiếu trong hành trình khám phá điểm đến của du khách. Bắt đầu từ buổi sớm mai thức dậy, dọc theo các con phố của Pleiku là những hàng quán bán đồ ăn sáng, từ những món ngon của 3 miền đều có mặt ở phố núi này như: mì quảng, bún bò Huế, phở Hà Nội… và đặc biệt vẫn là “Phở khô Gia Lai”, du khách phương xa vẫn hay gọi là phở 2 tô, là món ăn gắn bó như hương vị quê hương của người dân phố núi, dù đi bất cứ đâu người Gia Lai không bao giờ quên món phở này.
Tầm buổi xế chiều, các món ăn vặt đã có mặt trên khắp những con phố, như: bánh canh, bánh bột lọc, bánh bèo, bánh mì, lụi thịt nướng, lụi bánh tráng, bánh xèo, bánh cuốn, bún thịt nướng… Và thú vị, hấp dẫn là món bún mắm cua, với một mùi nồng rất đặc biệt nhưng đã tạo sự tò mò cho du khách nhất định phải thử một lần khi khám phá món ăn vặt của phố núi. Đã đến Gia Lai thì không thể nào không thử món chuối bọc nếp nướng với vị béo cốt dừa, quyện cùng vị ngọt thơm của chuối chín, là một món ăn vô cùng dân dã nhưng cũng rất hấp dẫn đối với du khách.
Gia Lai cũng là thiên đường của các loại trái cây, là địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước khá thuận lợi để phát triển các loại cây ăn quả như: Sầu riêng, bơ, mít, xoài, nhãn, na (mãng cầu), thanh long, chôm chôm, cam, bưởi da xanh, chanh dây, dứa, chuối… Đặc biệt, bơ Gia Lai rất dẻo, thơm và béo, vỏ mỏng hạt nhỏ và quả rất to, là một đặc sản làm quà cho khách phương xa. Các loại nước ép, sinh tố, chè trái cây được chế biến từ các loại hoa quả của Gia Lai cũng đã có mặt trong thực đơn ăn vặt và luôn hiện hữu trong các quán cà phê, giải khát của phố núi.
Trong hành trình khám phá ẩm thực đường phố của du khách sẽ không bao giờ thiếu địa chỉ “Chợ đêm Pleiku”. Mặc dù là một chợ đầu mối bán chủ yếu các mặt hàng nông sản chỉ hoạt động vào ban đêm nhưng các món ăn vặt hầu như đều có mặt ở khu phố sầm uất này.
Ẩm thực Gia Lai – hành trình khám phá điểm đến
Sự đa dạng, phong phú của các món ngon ở Gia Lai mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách trong hành trình khám phá ẩm thực. Gia Lai hội tụ các yếu tố về đặc trưng vùng miền, văn hoá truyền thống và nét độc đáo trong ẩm thực cùng với những thương hiệu món ăn đã tồn tại và có điều kiện để phát triển thành du lịch ẩm thực.
Phan Ngọc Diệp
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai