Làng dệt đũi Nam Cao, Làng chiếu Hới, Làng hương Văn Quan là những làng nghề tiêu biểu ở Thái Bình.
Làng dệt đũi Nam Cao
Làng dệt đũi Nam Cao nằm trên địa bàn xã Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Tương truyền, làng nghề được hình thành vào cuối thế kỷ XVI, do ba người phụ nữ thuộc dòng họ Nguyễn Thiên (một trong số các dòng họ đến Nam Cao khẩn hoang, lập làng) đã về quê là huyện Bất Bạt, tỉnh Hà Tây (nay là huyện Ba Vì, Hà Nội) để học nghề trồng dâu, nuôi tằm, kéo đũi, dệt cửi và truyền lại cho dân làng.
Sợi đũi tơ tằm Nam Cao được sản xuất theo phương thức thủ công truyền thống. Chất đũi dày dặn, mềm mịn; khi mặc vào mùa hè thì thoáng mát, mùa đông lại ấm áp. Việc sản xuất đũi phải trải qua nhiều công đoạn: Trồng dâu nuôi tằm, lấy kén, ươm tơ, kéo sợi… Sợi tơ sau khi kéo được cuốn lại thành từng vun, vắt kiệt nước, cho vào guồng quay rồi phơi khô; sau đó đánh ống, đánh suốt và cuối cùng là dệt. Vải đũi được dệt thành từng tấm dài, sau đó người ta đem nấu và nhuộm màu hoặc để thô. Năm 2023, nghề dệt đũi xã Nam Cao đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Làng chiếu Hới
Làng Hới (xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà), ngày nay được biết đến với tên làng Hải Triều, có nghề dệt chiếu được hình thành từ thời Tiền Lê (thế kỷ X – XI), do quan Thượng thư Phạm Đôn Lễ – một người trong làng, học từ Trung Quốc về dạy cho người dân. Tưởng nhớ công ơn, người dân tôn ngài là “trạng Chiếu” và lập đền thờ Phạm Trạng Nguyên. Trải qua hơn 1.000 năm, nghề dệt chiếu làng Hới hiện vẫn được gìn giữ và phát triển với nhiều loại như chiếu trơn, chiếu cài hoa, chiếu đót, chiếu cạp điều, chiếu gon…
Khác với những nơi khác, kỹ thuật dệt chiếu làng Hới được thực hiện trên khung nằm. Loại cói dệt chiếu phải là sợi mảnh và dẻo nên khi dệt, chiếu lên màu óng ả. Trước đây, để làm ra một chiếc chiếu, dân làng Hới thường mất khoảng 4 – 7 ngày với 2 người làm. Hiện nay, nhiều gia đình đã “cơ giới hóa” các công đoạn dệt chiếu nên năng suất cao hơn.
Làng hương Văn Quan
Về vùng đất Thái Bình, du khách đừng quên ghé thăm làng Văn Quan (xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà) – nơi có nghề làm hương đen nổi tiếng. Nguyên liệu “se” hương đen là than của các loại cây đỗ tương và hương bài (loài cây thân thảo, bộ rễ có mùi thơm). Sau khi đốt các loại cây này thành tro, người ta đem rây thành bột mịn rồi trộn với một số loại thảo mộc quý như xuyên quy, trắc bách diệp, hoàng đàn, trầm, hồi, quế chi… Sau khi pha bột hương theo công thức bí truyền, người ta dùng giấy mỏng quấn bột hương xung quanh rồi “se” thành từng nén, đem phơi dưới nắng từ 1 – 3 ngày để hương khô dần và giữ được mùi thơm tự nhiên của các loại dược liệu. Với cách làm này, khi thắp, hương Văn Quan tỏa ra hương thơm tự nhiên mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Mỹ An
Báo Hà Nội Mới – hanoimoi.com.vn – Đăng ngày 29/01/2024