(TITC) – Cố đô Huế đang từng bước áp dụng triển khai nhiều “hệ quy chiếu” du lịch nhằm phát triển mạnh mẽ du lịch của khu vực, trong đó có tiêu chuẩn du lịch ASEAN.
Năm 2016, Khối cộng đồng ASEAN đã nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển du lịch ASEAN giai đoạn 2016 – 2025; trong đó có nội dung ưu tiên phát triển du lịch xanh và bền vững, hài hòa, thống nhất, có hiệu quả. Để cụ thể hóa nội dung này, các nước thành viên đã thống nhất xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng ASEAN đưa ra các yêu cầu cơ bản và khung quy định đối với sản phẩm dịch vụ du lịch và hướng dẫn nâng cao chất lượng ngành du lịch ASEAN nhằm xây dựng ASEAN thành một điểm đến du lịch có chất lượng cao với tên gọi “Điểm đến chung có chất lượng”.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển du lịch có trách nhiệm và bền vững, hàng năm, ASEAN đã tổ chức Giải thưởng Du lịch ASEAN. Đây là giải thưởng danh giá dành cho các đơn vị tiêu biểu, áp dụng tốt các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn ASEAN. Những đơn vị được nhận giải thưởng sẽ được đánh giá cao trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, là cơ hội để các đơn vị quảng bá thương hiệu địa phương, thương hiệu doanh nghiệp; đồng thời, khẳng định chất lượng chuyên nghiệp, thân thiện với môi trường và mang đến lợi ích cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, những năm qua, Sở Du lịch đã vận động và hướng dẫn cho hàng chục đơn vị, điểm đến trong tỉnh lập và gửi hồ sơ đăng ký một số mục giải thưởng và đã giành được khá nhiều mục giải thưởng như: Giải thưởng Du lịch dựa vào cộng đồng ASEAN – Du lịch cộng đồng cầu ngói Thanh Toàn; Giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN – Khách sạn nghỉ dưỡng Làng Hành Hương; Giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN – TP. Huế; giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN – Khách sạn nghỉ dưỡng Vedana Lagoon Resort & Spa; giải thưởng địa điểm tổ chức MICE ASEAN – Khách sạn Silk Path Huế; Giải thưởng Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN với sản phẩm tham quan TP. Huế – 1 điểm đến 5 di sản.
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, đối với những đơn vị, doanh nghiệp, sản phẩm đạt giải là một bước tiến trong khẳng định chất lượng dịch vụ của mình, đặc biệt là góp phần nâng chất lượng chung cho ngành du lịch Cố đô.
Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, trong các giải pháp nâng chất lượng, việc tích cực tham gia các giải thưởng trong khu vực là một hình thức để các doanh nghiệp, điểm đến nỗ lực hơn trong hoàn thiện, đáp ứng được các tiêu chí của các cuộc thi; đồng thời khẳng định thương hiệu để duy trì khai thác các thị trường truyền thống và tiềm năng trong khu vực ASEAN.
Việc nỗ lực để thay đổi, tiếp cận, bắt kịp với các điểm đến khác trong khu vực là điều tiên quyết phải thực hiện. Đó là mục tiêu trong Nghị quyết số 54/NQ-CP, đến năm 2030, Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu.
Trung tâm Thông tin du lịch