Với tiềm năng giá trị rất lớn từ cây sen, trong thời gian tới, Hà Nội đang thúc đẩy bảo tồn và phát triển ngành trồng sen gắn với phát triển du lịch và quảng bá hình ảnh địa phương; xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách đến tham quan du lịch, trải nghiệm sen… Đặc biệt, Hà Nội thúc đẩy phát triển các làng nghề có sản phẩm từ sen nhằm phát huy giá trị các sản phẩm từ sen.
Đại biểu tìm hiểu về các sản phẩm từ sen được giới thiệu tại hội thảo. Ảnh: Thanh Tùng
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Hoa sen trong tâm thức của người Việt là biểu tượng của sự thuần khiết, trong sáng, tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Bởi vậy người Việt Nam luôn tự hào thể hiện nét đẹp của sen trước bạn bè quốc tế. Sen đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, âm nhạc, hội hoạ và rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Sen cũng là hình ảnh, chất liệu được đưa vào nhiều sản phẩm ứng dụng trong đời sống hàng ngày.
Hoa sen không chỉ có giá trị đặc biệt về tâm linh và tôn giáo mà còn là cây trồng đa giá trị, bao gồm cả giá trị dinh dưỡng và giá trị sử dụng. Hầu hết các bộ phận của cây trồng này có thể làm thực phẩm, làm dược liệu, làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may…
Bà Lưu Thị Hiền, Chủ cơ sở Trà sen Hiền Xiêm, quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống nhiều đời ướp trà sen. Trước đây, các cụ chỉ ướp trà để uống, đãi bạn và làm quà biếu mỗi dịp lễ, Tết. Khi kinh tế thị trường phát triển, nhiều người tìm đến trà sen để thưởng thức và làm quà biếu đặc trưng của người Hà Nội… khiến nhu cầu tăng cao, tôi mới phát triển nghề của gia đình phục vụ nhu cầu thị trường”.
Trà sen gắn bó với đời sống người Việt từ lâu đời. Ảnh: Hoàng Hiếu
Hiện, gia đình bà Hiền đã thuê 7ha đầm khu vực Hồ Tây để canh tác, trồng sen Bách Diệp. Theo bà Hiền để có được 1 kg trà sen cần 1.500 bông hoa sen cùng loại chè ngon, sạch, chi phí không hề nhỏ, lên tới cả chục triệu đồng, chưa kể tiền nhân công. “Không phải ngẫu nhiên, trà sen Tây Hồ được mệnh danh là “thiên cổ đệ nhất trà”, thức uống này có hương vị thanh tao, không quá nồng nàn mà vô cùng thơm mát và dễ chịu. Hương vị của trà sen Hồ Tây là sự hòa quyện từ vị đậm đà của lá chè ướp cùng gạo sen Bách Diệp thơm ngát”- bà Hiền chia sẻ.
Ông Lã Quang Khanh, Giám đốc Hợp tác xã làng nghề sen Mê Linh cho hay, hợp tác xã trồng 50 ha, gồm giống hoa sen Bạch liên và Bách Diệp có xuất xứ từ giống sen cổ hồ Tây. Từ tháng 5 đến tháng 9, mỗi ngày, Hợp tác xã thu hoạch, cung cấp cho thị trường 8.000 – 10.000 bông hoa sen. Ngoài phục vụ nhu cầu thưởng hoa của người dân, Hợp tác xã còn ký hợp đồng với Hợp tác xã Tâm Trà Thái (tỉnh Thái Nguyên) và một số cơ sở sản xuất chè Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) để cung cấp hoa, lá sen…
“Hoa sen và trà sen của chúng tôi đã được thành phố Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao; được huyện Mê Linh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu “Bạch thiên sen Hải Linh”, được đăng ký bảo hộ và tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở nhiều hội chợ, hội nghị, triển lãm trong và ngoài thành phố. Riêng sản phẩm OCOP trà sen có 2 loại là trà ướp hoa sen tươi và trà ướp hoa sen sấy khô hút chân không. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, chúng tôi phát triển thêm 2 sản phẩm là trà sen túi lọc và trà lá sen, dự kiến cuối năm 2024 sẽ đưa ra thị trường”, ông Lã Quang Khanh chia sẻ.
Ngày nay, cây sen được phát triển ở nhiều huyện ngoại thành Hà Nội gắn với du lịch sinh thái và làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may, chế biến hương liệu, tinh bột. Đặc biệt, sản phẩm lụa tơ sen “độc nhất, vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) sản xuất. “Khăn lụa tơ sen” của nghệ nhân Phan Thị Thuận là sản phẩm tiềm năng 5 sao và được Văn phòng Chính phủ sử dụng làm quà tặng nguyên thủ các quốc gia.
Người dân tìm hiểu các sản phẩm kết hợp với sen tại Lễ hội Sen Hà Nội 2024. Ảnh: Hoàng Hiếu
Ngoài trà sen Tây Hồ nức tiếng bởi hương vị tinh túy của trời đất, thì mâm cỗ sen sản phẩm du lịch ẩm thực độc đáo lại rất hút khách ở làng cổ Đường Lâm… với hơn chục món ăn được chế biến từ sen hoặc có kết hợp với sen. Chị Lâm Thị Na, chủ nhà hàng Bếp làng Đường Lâm chia sẻ, lúc đầu, chúng tôi chỉ làm một số món về sen như xôi sen, nộm ngó sen, chè hạt sen… Khá nhiều vị khách phương xa đến rất thích và gợi ý nên làm mâm cỗ chuyên về sen đặc trưng của Đường Lâm để thu hút du khách, đến nay, mâm cỗ sen đã được nhiều du khách đặt riêng mỗi khi đến Đường Lâm…
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 600 ha trồng sen, tập trung ở các địa phương, như: Mỹ Đức 188 ha, Ba Vì 70 ha, Mê Linh 65 ha, Phúc Thọ 25 ha, Ứng Hòa 25 ha, Bắc Từ Liêm 25 ha, Tây Hồ 19,6 ha, Quốc Oai 18 ha… Năm 2025, Hà Nội phấn đấu mở rộng diện tích trồng sen lên 900ha.
Hà Nội hiện đã phát triển được rất nhiều đặc sản tinh túy được chế biến từ sen, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa là nét văn hóa đặc sắc của người Hà Thành như: Sen trà Hiền Xiêm, quận Tây Hồ; chè sen Quảng An, quận Tây Hồ; hạt sen Đầm Long, huyện Ba Vì; trà lá sen, huyện Sóc Sơn; trà tâm sen, huyện Thanh Trì; xôi cốm hạt sen Ngô Thức, quận Nam Từ Liêm… Trong 2.723 sản phẩm được thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng OCOP, trong đó có 18 sản phẩm từ cây sen.
Theo PGS.TS Đặng Văn Đông – Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Việt Nam có 3 miền, vùng rõ rệt, cũng có 3 loại sen, đặc trưng cho mỗi vùng miền. Miền Nam có sen Hồng Đồng Tháp; miền Trung có sen Trắng Huế; miền Bắc có sen Bách Diệp Hồ Tây. Đặc biệt, sen Bách Diệp hồ Tây được xếp vào nhóm nguồn gen đặc sản, quý hiếm cần được bảo tồn, phát triển.
Người dân đến tìm hiểu, mua sắm các sản phẩm làm từ sen và các sản phẩm OCOP tại lễ hội. Ảnh: Hoàng Hiếu
Nhằm khôi phục, nhân rộng giống sen Bách Diệp Hồ Tây, năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Viện nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) và UBND quận Tây Hồ phối hợp triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ – Hà Nội”.
Theo ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, Sở đã giao Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả đưa vào trồng thử nghiệm hơn 30 giống sen mới tại Hà Nội do Viện tuyển chọn qua việc lai tạo, nhập nội giống. Kết quả, đã chọn được gần 20 giống sen thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng của Hà Nội; trong đó, bao gồm các giống sen chuyên canh để lấy củ, hoa, làm tơ sen và lấy hạt cho năng suất, phẩm cấp vượt trội. Cũng nhờ ứng dụng khoa học, kỹ thuật nên hiện nay thành phố có nhiều giống sen mới, giúp mùa sen ở Hà Nội kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm.
Nam Giang
Báo ảnh Dân tộc và Miền núi – dantocmiennui.vn – Đăng ngày 17/7/2024