Tỉnh Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống và phát triển, tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa truyền thống, thể hiện rõ nét qua trang phục, lễ hội, tập quán, tín ngưỡng, ẩm thực, kiến trúc…Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, tạo đòn bẩy để bà con vươn lên làm giàu.
Hình minh họa
Địa danh nổi tiếng nhất của Hà Giang chính là cao nguyên đá Đồng Văn, trải rộng qua 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn. Đây là một trong những vùng núi đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của vỏ trái đất. Cao nguyên đá Đồng Văn còn mang trong mình trầm tích văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân là những người thuộc các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Hoa, Giáy, Lô Lô, Pu Péo…
Tận dụng những ưu thế về tự nhiên, văn hóa, xã hội, cộng đồng dân cư sinh sống ở cao nguyên đá Đồng Văn đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng nhằm tăng thêm thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Nhờ phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc của đồng bào DTTS đã góp phần giúp kinh tế của 4 huyện cao nguyên đá của Hà Giang thay đổi rõ rệt, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tỷ lệ giảm nghèo đạt hơn 6%/năm (cao hơn 1-2% so với mức giảm nghèo bình quân chung của tỉnh).
Theo ông Hoàng Gia Long, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang, toàn tỉnh Hà Giang đang có 16 làng du lịch cộng đồng với đặc thù riêng nhưng tinh thần chung là phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc DTTS.
Ông Hoàng Gia Long cho rằng, để tiếp tục nhân rộng các mô hình này, cần có sự chung tay của chính quyền và người dân, có sự định hướng từ các cơ quan quản lý và sự giúp đỡ của những tổ chức quốc tế, từ đó giúp các cộng đồng có thể xây dựng được mô hình du lịch đặc trưng của dân tộc mình./.
Bảo Trân
Báo Tổ quốc – toquoc.vn – Ngày đăng 12/12/2023