Giữ lửa cho nghề làm gốm truyền thống Thanh Hà – Quảng Nam

Nằm bên dòng sông Thu Bồn hiền hòa, làng gốm Thanh Hà thuộc địa bàn phường Thanh Hà, thành phố Hội An (Quảng Nam), thu hút đông đảo du khách thăm bởi sự độc đáo của nghề làm gốm truyền thống lâu đời.

Làng gốm Thanh Hà là làng nghề truyền thống lâu đời ở Hội An, hàng trăm năm trước sản phẩm của làng được mệnh danh là “thổ sản quốc gia”, dùng để tiến vua. Khoảng 15 năm trở lại đây, nghề làm gốm truyền thống Thanh Hà dần được khôi phục với nhiều sản phẩm đặc trưng phục vụ sinh hoạt đời sống hàng ngày, dần trở thành những món quà lưu niệm phổ biến ở phố cổ Hội An. Hiện nay, làng gốm Thanh Hà có khoảng 20 cơ sở kinh doanh với hàng chục nghệ nhân làm gốm.

Theo những nghệ nhân lâu năm, quy trình làm ra một sản phẩm đúng chất gốm Thanh Hà đòi hỏi kỳ công và tâm huyết cũng như bàn tay tài hoa người thợ để thổi được cái hồn tinh túy nhất vào đất. Từ khâu chọn đất, làm đất đến lên khuôn trên bàn vuốt, những đôi bàn tay nhào nặn như đưa cả tâm trí tập trung vào từng vòng quay của chiếc bàn xoay đến khi ra sản phẩm cuối cùng.

Quy trình làm ra một sản phẩm đúng chất gốm Thanh Hà đòi hỏi sự kỳ công và tâm huyết.

Nếu sản phẩm gốm của Thổ Hà (tỉnh Bắc Giang) từ đất sét xanh, Bát Tràng (TP. Hà Nội) từ sét trắng, Phù Lãng (tỉnh Bắc Ninh) từ sét vàng nâu thì gốm Thanh Hà của Hội An được lấy từ đất sét nâu dọc sông thu Bồn có độ dẻo và kết dính cao. Người thợ lấy đất về sau đó trộn, xéo, nề, ủ đất cho đến khi đất nhuyễn mịn như bột bánh mới được. Sản phẩm sau khi đã tạo hình xong để cho se lại, sờ tay vào không thấy dính thì mang ra ngoài nắng phơi, hoặc hong nơi góc bếp cho khô mới nung. Lò nung được xếp thật khéo để các sản phẩm vừa đảm bảo không bị chèn ép vừa tiết kiệm diện tích. Thời gian nung kéo dài từ  1 – 3 ngày tùy sản phẩm.

Khi sản phẩm thành hình tiếp tục tô vẽ hoa văn tinh xảo rồi đưa vào lò nung. Đây được xem là khâu quan trọng nhất bởi độ lửa, thời gian nung đều phải chính xác để có sản phẩm hoàn thiện đưa đến thị trường tiêu dùng.

Làng gốm cổ Thanh Hà trở thành điểm đến được khách du lịch trong và ngoài nước ghé thăm. 

Cùng với việc bảo tồn nghề gốm truyền thống, nắm bắt sự phát triển của truyền thông, du lịch phố cổ, ngay từ năm 2001, người làng Thanh Hà cũng nghiên cứu, làm ra nhiều sản phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ thương mại, du lịch với hàng chục nghìn sản phẩm gốm các loại. Hầu hết các cơ sở cũng dần chuyển từ sản xuất gốm dân dụng sang gốm mỹ nghệ và vật phẩm lưu niệm kết hợp trình diễn nghề. Theo đó, thành phố đã có phương án chỉnh trang và tạo cảnh quan môi trường làng nghề. Đặc biệt, thành phố đã xây dựng, hình thành Công viên đất nung Thanh Hà.  

Với khuôn viên rộng khoảng 6.000m2, được xây dựng bằng gạch và đất nung cùng hàng nghìn sản phẩm độc đáo mang đậm giá trị văn hóa, nghệ thuật được trưng bày đã thu hút đông đảo du khách. Không gian công viên chia thành nhiều khu riêng biệt như lò gốm, khu bảo tồn làng, chợ đất nung, thế giới thu nhỏ, khu các làng nghề truyền thống và khu triển lãm… Khách du lịch có dịp chiêm ngưỡng, tìm hiểu về nghề gốm truyền thống với những giá trị lịch sử lưu truyền qua nhiều đời nay.

Du khách khi đến với Hội An sẽ được chứng kiến tận mắt một làng gốm Thanh Hà với hình ảnh các nghệ nhân làm ra những tuyệt tác, cảm nhận được vẻ đẹp mộc mạc trong từng tác phẩm, cũng đã không ít sản phẩm của làng được theo chân du khách đi khắp mọi miền vì sự đặc biệt của gốm Thanh Hà.

Minh Lý

Nguồn: TCĐT Thiên nhiên và Môi trường – thiennhienmoitruong.vn – Đăng ngày 29/7/2024

Scroll to Top
Send this to a friend