Thái Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Vài năm trở lại đây, mô hình du lịch cộng đồng tại Thái Nguyên đã có sức lan tỏa khi ngày càng có nhiều đồng bào DTTS tham gia làm du lịch, tích cực phát triển kinh tế, quảng bá văn hoá địa phương.
Du khách trải nghiệm giã bánh dày tại xóm Mỏ Gà.
Nhận thấy những tiềm năng về thắng cảnh đẹp và khí hậu mát mẻ, trong lành của vùng bán sơn địa dưới chân dãy núi Tam Đảo, từ năm 2019, anh Triệu Tiến Tư cùng một số người dân ở thị trấn Quân Chu, huyện Đại Từ đã mạnh dạn thành lập HTX Quân Chu và đầu tư xây dựng Quân Chu Farm. Anh Triệu Tiến Tư, Giám đốc HTX Quân Chu, huyện Đại Từ, Thái Nguyên chia sẻ: “Mục tiêu của mô hình đó là phát triển nông nghiệp bền vững gắn với tự nhiên, khai thác hợp lý và không gây ảnh hưởng đến môi trường. Bước đầu, mô hình đã đem lại những thành công, góp phần nâng cao thu nhập của gia đình, nâng cao nhận thức của cộng đồng bà con dân tộc nơi đây”.
Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay, HTX Quân Chu đã có 13 thành viên hầu hết là những người dân tộc Dao bản địa. HTX đã thiết kế những nếp nhà sàn mang nét đặc trưng, truyền thống của người dân tộc Dao Quần Chẹt phục vụ tham quan, lưu trú, thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm văn hóa dân tộc Dao. Cùng với đó, người dân và du khách còn có thể tham quan, trải nghiệm tại thác Đát Ngao, suối Đá Cổng; tổ chức hoạt động camping và rèn luyện kỹ năng sống. Những năm gần đây, mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm văn hóa người Dao của HTX đã thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Còn tại xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai có 178 hộ, 755 khẩu, xóm có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống là Tày, Nùng, Kinh. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 85%, chủ yếu là làm nông nghiệp. Hiện nay, trong xóm có 13 hộ còn lưu giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày. Năm 2019, xóm Mỏ Gà được đầu tư, khôi phục một số nhà sàn truyền thống nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị không gian văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Chị Đặng Thị Tâm, chủ cơ sở Homestay Phương Đông, là người rất mạnh dạn trong đầu tư làm du lịch cộng đồng. Chị Tâm cho biết, gia đình chị đầu tư hàng trăm triệu đồng nâng cấp ngôi nhà sàn truyền thống với sức chứa trên 30 khách để làm cơ sở lưu trú và kinh doanh du lịch cộng đồng. Hơn 1 năm kinh doanh dịch vụ lưu trú này, dù có nhiều khó khăn nhưng bước đầu gia đình chị đã có thu nhập từ du khách, khẳng định một hướng đi đúng.
Cùng với các mô hình homestay do phụ nữ làm chủ, nhiều chị em khác của xóm Mỏ Gà là thành viên tích cực trong Câu lạc bộ (CLB) hát Then – đàn Tính Mỏ Gà. CLB được chị em thành lập năm 2021, hiện có 20 nữ thành viên người dân tộc Tày. Các thành viên đều rất nhiệt huyết với việc bảo tồn và phát triển làn điệu Then – đàn Tính. CLB hiện đã triển khai các tiết mục biểu diễn song ngữ, hát một nửa bài bằng tiếng Tày, một nửa bằng tiếng Việt để gìn giữ, phát huy tiếng Tày trong cộng đồng và đem tới trải nghiệm mới lạ cho khách du lịch.
Du khách nghe đồng bào Dao giới thiệu về trang phục truyền thống tại Quân Chu Farm.
Đến nay, tại Thái Nguyên đã có 6 điểm du lịch cộng đồng được UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Trong đó: Điểm du lịch Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên) gắn với đặc trưng văn hóa dân tộc Tày, vinh dự là đại diện duy nhất của Đông Nam Á nhận giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” năm 2022 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO); Điểm du lịch Làng văn hóa dân tộc bản Quyên (xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa) gắn với Di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà (Võ Nhai) với các hoạt động tham quan, trải nghiệm đình Mỏ Gà, nhà sàn truyền thống, vườn cây ăn quả, đan lát thủ công, giã bánh dày và các trò chơi dân gian truyền thống; Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) gắn với vùng chè đặc sản nổi tiếng của tỉnh; Điểm du lịch cộng đồng hồ Ghềnh Chè (xã Bình Sơn, TP. Sông Công) do Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Ghềnh Chè – Bình Sơn – Sông Công tổ chức quản lý gắn với danh thắng hồ Ghềnh Chè, di tích lịch sử căng Bá Vân và các làng nghề truyền thống.
Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh trở thành trung tâm du lịch của vùng Việt Bắc với sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Du lịch Thái Nguyên trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao.
Để đạt mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng tỉnh Thái Nguyên thực hiện là tập trung xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa trà; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch; phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, về nguồn dựa trên các khu di tích, điểm di tích, di sản sẵn có…
Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm phát triển du lịch cộng đồng cũng sẽ được quan tâm. Trong thời gian tới, ngành văn hóa Thái Nguyên sẽ mở các lớp tập huấn để bồi dưỡng kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch; nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững; vận động, hướng dẫn cộng đồng dân cư trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh, nét đẹp của từng địa phương, điểm đến. Từ đó, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 08/8/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về định hướng phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030.
Vinh Sơn
Báo Dân tộc và Phát triển – baodantoc.vn – Đăng ngày 27/11/2023