Việc ứng dụng các quy chuẩn theo Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN sẽ là cơ sở để du khách có trải nghiệm tốt nhất và tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt với các nước trong khu vực.
Áp dụng Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN sẽ giúp ngành du lịch phát triển bền vững |
Đặt mục tiêu nâng cao chất lượng
Các quốc gia thành viên ASEAN đã xây dựng Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN để chuẩn hóa dịch vụ du lịch, xác định khung tiêu chí chung, từ đó, các nước trong khu vực thống nhất thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, xây dựng ASEAN trở thành một điểm đến chất lượng.
Chiến lược phát triển du lịch ASEAN 2016-2025 xác định tầm nhìn đến năm 2025 khu vực này sẽ trở thành “điểm đến du lịch chất lượng cao, phát triển theo hướng bền vững, có trách nhiệm, toàn diện, cân bằng; đóng góp đáng kể đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của người dân trong toàn khu vực”…
Theo đó, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch cần đáp ứng 8 tiêu chuẩn gồm: khách sạn xanh, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), du lịch cộng đồng, sản phẩm du lịch bền vững, địa điểm tổ chức MICE, thành phố du lịch sạch, nhà vệ sinh công cộng và dịch vụ spa.
Để thích ứng với xu thế phát triển chung của khu vực và quốc tế, việc chuẩn hóa dịch vụ của các cơ sở du lịch là điều kiện quan trọng và rất cần thiết trong lộ trình phát triển, nâng cao chất lượng điểm đến.
Từ đó, mục tiêu của chiến lược là đóng góp GDP của ngành du lịch ASEAN tăng từ 12% lên 15%; đóng góp về số lượng việc làm tăng từ 3,7% lên 7%; chi tiêu trung bình của khách du lịch quốc tế tăng từ 877 USD lên 1.500 USD; thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch quốc tế tăng từ 6,3 đêm lên 8 đêm; số lượng đơn vị được nhận giải thưởng theo các tiêu chuẩn ASEAN tăng từ 86 lên 300; số lượng dự án nhằm phát triển chuỗi giá trị dựa trên cộng đồng tăng từ 43 lên trên 300…
Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, để thích ứng với xu thế phát triển chung của khu vực và quốc tế, việc chuẩn hóa dịch vụ của các cơ sở dịch vụ du lịch trong cả nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng là điều kiện quan trọng và rất cần thiết trong lộ trình phát triển, nâng cao chất lượng điểm đến.
Ông Đặng Phú Hiển Đạt, đại diện Công ty TNHH Lữ hành quốc tế AB Travel chia sẻ: “Với bộ tiêu chí này, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng xây dựng kế hoạch nâng cấp dịch vụ, cơ sở vật chất để tăng tính cạnh tranh. Ngoài ra, AB Travel ưu tiên kết nối các dịch vụ đã đạt được những tiêu chí trong Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN để giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước”.
Từ việc áp dụng Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN, bà Nguyễn Thanh Bình, Phó vụ trưởng Vụ khách sạn (Tổng cục Du lịch) kỳ vọng, đến năm 2025, Việt Nam sẽ nằm trong top 3 Đông Nam Á, top 50 toàn cầu về quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới. Trên cơ sở đó, góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho khoảng 5,5 – 6 triệu lao động, tăng trưởng bình quân 12-14%; phấn đấu đạt 1,15-1,2 triệu buồng lưu trú, công suất sử dụng khoảng 60%/năm.
Chưa có nhiều doanh nghiệp dịch vụ đáp ứng được tiêu chuẩn
Bà Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: “Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ các tiêu chí trong Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN bởi nhiều điểm đến chưa có nhà vệ sinh công cộng sạch. TP.HCM và Hà Nội khó đáp ứng tiêu chí thành phố du lịch sạch khi chất lượng môi trường chưa đảm bảo”.
Đáng nói là, nhiều nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) không đạt chỉ tiêu. Theo bà Bình, tiêu chí này yêu cầu mỗi làng phải có tối thiểu 5 người cung cấp homestay, nhưng hiện nay, Tổng cục Du lịch nhận được những bộ hồ sơ chỉ có 2-3 người cung cấp.
Đối với hệ thống khách sạn, hiện Việt Nam mới có 41 khách sạn được giải ASEAN Green Hotel (giải thưởng về khách sạn xanh) trong đó có một số khách sạn tại TP.HCM như Chains Caravelle, Bến Thành (Rex), Đệ Nhất (First), Đồng Khởi (Grand), Kim Đô, Hoàn Cầu (Continental), Equatorial, Sherato Saigon…
Lý giải việc khó đạt tiêu chí khách sạn xanh, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc khách sạn Gold Lion chia sẻ: “Là khách sạn 2 sao tại TP.HCM với 9 nhân sự và 31 phòng, việc đạt được tiêu chí khách sạn xanh theo tiêu chuẩn du lịch ASEAN là điều không mấy dễ dàng. Nguyên nhân là do, không riêng Gold Lion, mà các khách sạn nhỏ trên địa bàn cần có nguồn kinh phí lớn để đào tạo lại nhân sự, nâng cấp chất lượng dịch vụ, cải tạo hạ tầng để thay đổi”.
Trong khi đó, khách sạn La Đà Lạt tự tin đạt 90% trong Bộ tiêu chuẩn khách sạn xanh ASEAN nhờ sự chuẩn bị ngay từ khi xây dựng và định hình chất lượng phục vụ cho du khách. Tuy nhiên, yếu tố tự nhiên cũng như tác động từ môi trường ở mỗi tỉnh, thành phố đang ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch đáp ứng tiêu chuẩn chung trong Bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN của doanh nghiệp.
Bà Trịnh Hứa Minh Trúc, Giám đốc điều hành khách sạn La Đà Lạt cho biết, khách sạn hiện chưa thể đáp ứng được tiêu chí sử dụng năng lượng hiệu quả với yêu cầu tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu thụ năng lượng, bởi tiêu chí này chưa phù hợp với thời tiết ẩm ướt, se lạnh và có nhiều sương mù của vùng đất Đà Lạt.
Do đó, doanh nghiệp nâng cao chất lượng khách sạn bằng cách thiết kế lại hạ tầng sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường của mỗi tỉnh, thành phố như: thiết kế nhiều cửa sổ đón ánh sáng mặt trời, không sử dụng máy lạnh, cây xanh được ưu tiên hàng đầu để cải tạo không khí ô nhiễm, phát triển hệ thống trồng rau sạch ở tầng thượng để cung cấp cho du khách đến nghỉ dưỡng…
Báo Đầu tư