Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh): Phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh

Sau đại dịch COVID-19, hành vi tiêu dùng của du khách đã dần thay đổi. Du khách quan tâm hơn đến vấn đề an toàn, sức khoẻ và sản phẩm du lịch xanh, thân thiện môi trường, hướng tới những chương trình, sản phẩm du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng, gắn với cảnh quan thiên nhiên và văn hóa đặc sắc địa phương. Do đó, phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững đang trở thành xu thế trong phát triển du lịch hiện nay.

Ở Cần Giờ, một trong các loại hình du lịch xanh là du lịch văn hóa gắn với lễ hội…(Ảnh: https://khoahocphothong.vn)

Đặc sắc loại hình du lịch sinh thái gắn với thế mạnh tài nguyên rừng ngập mặn Cần Giờ

Huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) là địa phương có bề dày lịch sử hình thành và phát triển, mang những dấu ấn đặc sắc về văn hóa, tín ngưỡng dân gian, đa dạng các nguồn tài nguyên thiên nhiên nên có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch, đặc biệt là các loại hình du lịch sinh thái gắn với thế mạnh tài nguyên rừng ngập mặn Cần Giờ, các giá trị văn hóa, lịch sử địa phương.

Cần Giờ có diện tích tự nhiên 70.435 ha, là huyện duy nhất của Thành phố giáp biển, trong đó diện tích rừng ngập mặn 34.813,64 ha, chiếm gần 50% diện tích tự nhiên toàn huyện, sau thời gian phục hồi và phát triển, hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ đa dạng, phong phú, tạo môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên xanh – sạch – đẹp, được tổ chức UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 21/01/2000..

Nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch trên địa bàn huyện, đặc biệt là phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh, hướng đến mục tiêu tạo ra sinh kế bền vững và nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nhân văn của địa phương. Được sự quan tâm của Ủy ban Nhân dân Thành phố, Sở Du lịch cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan, đầu năm 2022, Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ phối hợp với Sở Du lịch xây dựng và triển khai Đề án phát triển mô hình du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng với mục tiêu hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch gắn với hộ gia đình trong việc phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan, trải nghiêm và mua sắm khi du khách đến Thiềng Liềng: khai thác du lịch gắn liền với bảo tồn văn hóa. Giới thiệu các tập quán, hoat động sinh kế với du khách, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự. Đây là mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của TP Hồ Chí Minh.

Qua 01 năm đi vào hoạt động Điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía du khách, các doanh nghiệp lữ hành và được bình chọn là 01 trong 100 điều thú vị của TP Hồ Chí Minh tại hạng mục điểm đến thú vị. Để đa dạng hóa chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, tăng hoat động trải nghiệm gắn với điểm đến hộ gia đình phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, tham quan của du khách khi đến ấp đảo Thiềng Liềng, ngày 29/12/2023, Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ đã phối hợp với Sở Du lịch tổ chức Lễ công bố giai đoạn 02 của điểm đến với một số điểm nổi bật như: triển khai các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu các giá trị sinh thái tự nhiên tại khu vực núi Giồng Chùa; tạo không gian check in mang bản sắc đặc trưng của địa phương: tăng các hoạt động trải nghiệm tại các điểm đến…

Đặc biệt, Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Thành ủy TP Hồ Chí Minh về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, nêu rõ phát triển du lịch Cần Giờ theo định hướng trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia với những sản phẩm mang đặc trưng của thành phố biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển. Đa dạng hóa các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, các điểm đến thuộc nhiều loại hình đặc sắc của vùng đất Cần Giờ với các trụ cột chính là du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng.

Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch xanh

Trong thời gian tới, nhằm tiếp tục phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lich xanh, bền vững, Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ tiếp tục triển khai thực hiện một số nhiêm vụ, giải pháp sau:

Hỗ trợ, hướng dẫn, định hướng cho các điểm đến xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch xanh, trong đó chú trọng phát triển du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp và sinh thái biển. Hỗ trợ Điểm đến du lịch Thiềng Liềng xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng, đồng thời tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng dân cư về mục tiêu phát triển du lịch bền vững, làm tiền đề vững chắc để áp dụng cho việc phát triển mô hình du lich cộng đồng trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, tuyên truyền người dân và du khách thực hành các hoạt động tiêu dùng xanh trong du lịch; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước. Tuyên truyền người dân giữ gìn bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nhân văn của địa phương.

Song song đó, thường xuyên đánh giá, phân tích khả năng tiếp cận, sự chịu tải của hệ thống tài nguyên du lịch, nguồn nhân lực và năng lực cung ứng dich vụ du lịch tại các điểm đến, trên cơ sở đó nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng tại các xã, thị trấn còn tiềm năng theo hướng phát triển các sản phẩm du lịch xanh và bền vững.

Cùng với đó, cải tạo cảnh quan, tăng cường mảng xanh các tuyến đường giao thông và điểm đến; xây dựng phương án giao thông xanh. Xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa truyền thống.

Cuối cùng, phải tổ chức truyền thông quảng bá hình ảnh của du lịch Cần Giờ nói chung và Điểm đến du lich cộng đồng Thiềng Liềng nói riêng trên các phương tiện truyền thông đại chúng để du khách dễ dàng tiếp cận và tra cứu thông tin./.

CM

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản – dangcongsan.vn – Đăng ngày 10/01/2024

Scroll to Top
Send this to a friend