Tập trung triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2024 – 2025 trên địa bàn, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện” – đây là nội dung chính của kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn, vừa được UBND tỉnh Bình Phước ban hành.
Lễ Phá Bàu của dân tộc Khmer tại Bình Phước. Ảnh: TTXVN
Theo UBND tỉnh Bình Phước, kế hoạch nhằm phục hồi và phát triển ngành du lịch có trọng tâm, trọng điểm, với phương châm: “Sản phẩm đặc sắc – Dịch vụ chuyên nghiệp, thủ tục thuận tiện, đơn giản, giá cả cạnh tranh, môi trường vệ sinh xanh, sạch, đẹp, điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”; xây dựng Bình Phước trở thành tỉnh có điểm đến hấp dẫn của khu vực Đông Nam Bộ; đẩy nhanh phục hồi và tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Trong đó, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch Bình Phước theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; chủ động tham gia các chương trình hợp tác, liên kết liên địa phương, liên vùng thúc đẩy phát triển du lịch; tổ chức nắm bắt thông tin khách du lịch và đóng góp của ngành du lịch vào GRDP của tỉnh; xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với du khách, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch.
UBND tỉnh Bình Phước đặt mục tiêu phát triển 4 sản phẩm du lịch trọng tâm theo hướng du lịch xanh, thân thiện trong thời gian tới gồm: Hình thành các khu, điểm du lịch gắn với tuyến cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa; tạo động lực phát triển với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, homestays gắn với các trải nghiệm cùng sinh hoạt với cộng đồng người M’nông và S’tiêng, du lịch tham quan, khám phá các di tích, danh lam thắng cảnh của Việt Nam và thế giới thu nhỏ gắn với trải nghiệm khinh khí cầu và đánh golf. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng hồ Suối Giai (huyện Đồng Phú) với các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và đánh golf.
Bên cạnh đó, phát triển du lịch ở quần thể văn hóa – cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long) với các sản phẩm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe theo phương pháp đông y, trải nghiệm các hoạt động thể thao mạo hiểm, kết hợp với phục dựng khu dân cư và bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng; từng bước phục dựng không gian văn hóa làng của đồng bào dân tộc S’tiêng thông qua việc phục dựng các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, tái tạo cảnh quan thu hút khách du lịch; phát triển du lịch tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (huyện Lộc Ninh) với các sản phẩm du lịch tham quan tìm hiểu lịch sử, du lịch về nguồn, tâm linh, dã ngoại.
Bình Phước phấn đấu năm 2025 đón khoảng 1,7 triệu lượt khách, trong đó duy trì tỷ trọng khách quốc tế chiếm khoảng 3,2% đến 4% tổng số lượt khách, doanh thu đạt khoảng 1.560 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 8.500 lao động.
Hiện tỉnh Bình Phước đang đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, kiến nghị Chính phủ bổ sung Di tích núi Bà Rá thành điểm du lịch quốc gia vào quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho tỉnh lập Đồ án quy hoạch Di tích Tà Thiết nhằm tạo điểm nhấn trên cung đường du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh theo tuyến Quốc lộ 13 qua địa bàn tỉnh đi các nước Campuchia, Lào và Thái Lan; công nhận nghề đan lát gùi của đồng bào S’tiêng Bình Phước; nghề giã gạo chày tay của đồng bào S’tiêng, M’nông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Cục Thống kê Bình Phước, năm 2023 doanh thu lưu trú, ăn uống trên địa bàn Bình Phước đạt 7.334 tỷ đồng, tăng 15,4%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 15,6 tỷ đồng, tăng 57,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 7.106 tỷ đồng, tăng 50,7%.
Sỹ Tuyên
Nguồn: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi – dantocmiennui.vn – Đăng ngày 12/01/2024