Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa bắt tay thu hút khách du lịch Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản


Hội thảo do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên, Sở Du lịch tỉnh Bình Định, Khánh Hòa và Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định phối hợp thực hiện.



Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu phát biểu tại Hội thảo


Theo đánh giá, 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, vị trí nằm trên dải đất vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trên tuyến du lịch xuyên Việt, có tài nguyên du lịch khá toàn diện, là khu vực đầu cầu có ý nghĩa chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc – Nam và Đông – Tây với Vùng Tây Nguyên, là cửa ngõ ra biển của các tuyến hành lang Đông – Tây nối với đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông.


Hệ thống giao thông của ba tỉnh phát triển thuận lợi cho việc liên kết phát triển du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng. Các địa phương đều là những thành phố biển với bờ biển dài, nhiều vũng, vịnh, bãi tắm đẹp, thắng cảnh kỳ thú và hấp dẫn; cơ sở hạ tầng đường thủy tương đối hoàn thiện; hệ thống đường sắt thuận lợi phục vụ du lịch xuyên suốt Bắc – Nam.


Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn trong việc khai thác, thu hút ba thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đến với 3 tỉnh. Hiện nay Khánh Hòa mới khai thác thành công thị trường khách Trung Quốc và Hàn Quốc, Bình Định mới khai thác thị trường Hàn Quốc.


Giám đốc Sở Du lịch Bình Định Trần Văn Thanh cho biết, hội thảo là cơ hội lớn để 3 tỉnh thống nhất tìm ra mục tiêu, phân tích, đánh giá và đề xuất các giải pháp để phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, xây dựng sản phẩm, thương hiệu hấp dẫn khách du lịch… tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.


Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu cho biết với việc cho phép mở cửa lại du lịch từ ngày 15/3/2022, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa hoàn toàn du lịch, đồng thời là một trong hơn 60 quốc gia trên thế giới dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh liên quan đến COVID-19 (theo thống kê của Công cụ theo dõi điểm đến, UNWTO và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế – IATA).


Có thể nói, tới nay, Việt Nam gần như đã bước ra khỏi khủng hoảng và từng bước phục hồi, trở lại trạng thái bình thường. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch đã phục vụ gần 72 triệu lượt khách trong nước, 954.600 lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch đạt 336.000 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy, thị trường du lịch nội địa đã phục hồi nhưng thị trường du lịch quốc tế tiến triển chậm. Có thể do một số nguyên nhân như: Việt Nam hiện chưa phải là mùa du lịch quốc tế; xung đột Nga – Ucraina ảnh hưởng đến một số thị trường nguồn đến Việt Nam; chính sách phòng chống dịch, mở cửa của các nước khác nhau. Hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á (chiếm gần 70% khách quốc tế đến Việt Nam) hiện vẫn đang xiết chặt phòng chống dịch, như Trung Quốc hiện theo đuổi chính sách ‘‘không COVID’’ và đến nay vẫn chưa mở cửa du lịch quốc tế. Chính những thách thức này đã tạo thành rào cản trong nỗ lực thu hút khách du lịch quốc tế, đặc biệt những thị trường chính của Việt Nam. Do đó, bên cạnh việc thực hiện những giải pháp để thu hút những thị trường khác, đây là lúc cần tập trung nâng cao nội lực để sẵn sàng đón khách quốc tế ngay khi các thị trường mở cửa trở lại.


Về vấn đề liên kết, Phó Tổng cục trường cho biết việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa các quốc gia, giữa các địa phương trong nước đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Trong số đó, nhiều sản phẩm đã được khai thác và rất hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Các chương trình du lịch là sự kết nối các điểm đến của các quốc gia, các tỉnh trên một hành trình nhằm gia tăng trải nghiệm trong cùng một chuyến đi cho khách du lịch.



Toàn cảnh Hội thảo


“Để khai thác có hiệu quả chương trình du lịch này, các địa phương cần có những tương đồng về cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương cần nghiên cứu thật kỹ các điểm đến để đưa vào hành trình, đảm bảo sự kết nối thông suốt, khai thác được những lợi thế nhưng không trùng lặp sản phẩm giữa các địa phương”, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.


Phó Tổng cục trưởng đề nghị từ những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo, các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa tiếp thu, nghiên cứu, đẩy nhanh tiến độ liên kết, chuẩn bị mọi nguồn lực để tổ chức xúc tiến, quảng bá và đón khách từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia khác trong thời gian tới.


Trong khuôn khổ hội thảo, Hiệp hội Du lịch Bình Định, Phú Yên và Nha Trang (Khánh Hòa) đã ký kết hợp tác thúc đẩy liên kết “Tour một hành trình ba điểm đến Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa”.



Lễ ý kết hợp tác thúc đẩy liên kết “Tour một hành trình ba điểm đến Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa” giữa Hiệp hội Du lịch Bình Định, Phú Yên và Nha Trang (Khánh Hòa)



Trung tâm Thông tin du lịch


Scroll to Top
Send this to a friend