Bình Định: Khai thác tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại làng K3, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh); làng rau Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) và làng biển xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) đến năm 2025. Mục tiêu của đề án nhằm định hướng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng phục vụ du khách, gắn với bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, tạo sinh kế cho người dân ở những vùng hưởng lợi.

Làng biển Nhơn Hải nổi tiếng là điểm đến du lịch biển hấp dẫn du khách. Địa phương đã lập kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của ngư dân, như: Lễ hội cầu ngư, nghệ thuật múa gươm, chèo bả trạo, bài chòi cổ; đồng thời, đang hướng tới tạo thêm sản phẩm du lịch, như check-in thành cổ trên biển, bãi rêu xanh; chèo SUP giữa “cánh đồng rong mơ”, cắm trại đêm, câu mực đêm… cùng các loại hình vui chơi giải trí trên biển.

Du khách tham quan tường thành cổ trên biển ở Nhơn Hải. Ảnh: Đoan Ngọc

Ông Đỗ Cao Thắng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, cho biết: Thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng, xã định hướng tạo thêm một số sản phẩm du lịch mang nét độc đáo riêng để khai thác tiềm năng phát triển du lịch “độc lạ Nhơn Hải” là tour du lịch tham quan bãi đẻ rùa biển, canh rùa biển đẻ trứng, nghe kể chuyện về cộng đồng Nhơn Hải bảo vệ rùa biển. Cùng với đó, sẽ thành lập thêm các CLB đua thuyền rồng, thể thao, bạn yêu âm nhạc dành cho lứa tuổi “nhí”, xây dựng khu ẩm thực đêm trên bãi biển để có thêm dịch vụ phục vụ du khách.

Xã Nhơn Hải định hướng xây dựng tour du lịch “độc lạ – chỉ có ở Nhơn Hải”: Tham quan bãi đẻ rùa biển, canh rùa biển đẻ trứng. Ảnh: Đoan Ngọc

Khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong có diện tích tự nhiên hơn 181 ha; trong đó, có hơn 400 hộ sản xuất rau màu với tổng diện tích 38,5 ha, 224 hộ tham gia 9 nhóm cùng sở thích sản xuất rau VietGAP trên diện tích 19,5 ha được công nhận thương hiệu Lá Lành từ năm 2013. Khối Thuận Nghĩa nằm gần sông Côn, có nhiều tài nguyên du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa gắn bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế cho người dân.

Khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) có nhiều tiềm năng khai thác du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa. Ảnh: Đoan Ngọc

Theo ông Đặng Bảo Toàn, Trưởng Phòng VHTT kiêm Giám đốc Trung tâm VHTTTT huyện Tây Sơn, huyện đã có kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp tại làng rau Thuận Nghĩa. Cùng với việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, xây dựng bãi đỗ xe, nhà dừng chân, hỗ trợ sửa chữa 6 ngôi nhà cổ ở khối Thuận Nghĩa, định hướng hình thành các sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp, ẩm thực, tìm hiểu văn hóa, xem biểu diễn nghệ thuật, vui chơi, mua sắm… Cùng với đó, chú trọng tập huấn kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng, nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch “xanh, sạch, an toàn” để thu hút du khách.

Những năm qua, huyện Vĩnh Thạnh đã chủ động triển khai bước đầu để thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại làng K3, xã Vĩnh Sơn, như: Tạo cảnh quan, trồng hoa, cây xanh; xây dựng nhà vệ sinh công cộng, bãi đậu xe; trang bị thùng rác công cộng; nhà trưng bày nhạc cụ truyền thống, dụng cụ lao động, thổ cẩm của đồng bào Bana K’riêm; tập huấn du lịch cho đồng bào Bana K’riêm ở địa phương…

Lên làng K3, xã Vĩnh Sơn ngắm hoa đào mùa xuân cũng là sản phẩm du lịch đặc trưng được huyện Vĩnh Thạnh định hướng hình thành tour du lịch. Ảnh: Đoan Ngọc

Ông Lê Văn Vinh, Trưởng Phòng VHTT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút đông đảo du khách đến với Vĩnh Sơn đó là ngắm hoa đào mùa xuân. Huyện đang chú trọng xây dựng khu du lịch sinh thái cộng đồng vùng hoa anh đào, trải nghiệm mùa các loại hoa khác nở; tìm hiểu đời sống, văn hóa truyền thống của đồng bào Bana K’riêm nơi đây. Ngoài ra, huyện sẽ thiết kế xây dựng điểm check – in tại hồ A thủy điện Vĩnh Sơn, thành lập các ban, tổ quản lý dịch vụ du lịch cộng đồng… để phát triển du lịch cộng đồng ở làng K3, xã Vĩnh Sơn.

Du lịch cộng đồng đang là loại hình mang lại nhiều lợi ích phát triển bền vững cho các địa phương trong việc cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, góp phần bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa, khắc phục được những nhược điểm, như: Tính tự phát, dịch vụ thiếu chuyên nghiệp, khả năng quản lý, sản phẩm kém hấp dẫn… trong hoạt động du lịch do người dân thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết: Sở phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai các Đề án theo lộ trình, với những hoạt động trọng tâm, mục đích hướng đến là phát triển du lịch chủ thể là cộng đồng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế bền vững. Với nhiệm vụ của Sở, chúng tôi sẽ hỗ trợ các địa phương tập huấn kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, kết nối các tour/tuyến du lịch… để thực hiện hiệu quả các Đề án.

Đoan Ngọc

Báo Bình Định – baobinhdinh.vn – Đăng ngày 13/7/2024

Scroll to Top
Send this to a friend