Với tiềm năng đa dạng về cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ, hùng vĩ cùng các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn đã trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút du khách đến với Bắc Kạn.
Du khách thích thú trải nghiệm hoạt động đánh bắt cá tại Quỳnh Mai Homestay, Ba Bể.
Ba Bể là địa phương có bề dày lịch sử và truyền thống, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Bản Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc thuộc xã Nam Mẫu; bản Pù Lầu, Phiêng Phàng thuộc xã Yến Dương; bản Nà Mặn, Nà Hai thuộc xã Quảng Khê… là những bản văn hóa du lịch trở thành điểm hấp dẫn của du lịch Ba Bể, được du khách trong và ngoài nước lựa chọn.
Nơi đây không chỉ là không gian sống, thể hiện đậm nét phong tục tập quán, vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng dân cư mà còn là một kho tàng văn hóa phi vật thể độc đáo với nhiều giá trị nguyên bản được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hiện trên địa bàn huyện có 04 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch công nhận, gồm: Lễ hội Lồng tồng Ba Bể; Nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày, Lễ cấp sắc của người Dao; Lẩu Pụt của người Tày; Nghệ thuật trình diễn dân gian múa bát của người Tày. Nhờ phát triển phong phú, đa dạng các loại hình du lịch, trong 6 tháng đầu năm, lượng khách đến với Ba Bể đạt trên 80.000 lượt người.
Pác Nặm tuy không sở hữu những khu/điểm du lịch, tham quan nổi tiếng như một số địa phương khác nhưng sức hấp dẫn của huyện lại có được từ chính nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc. Với 07 dân tộc cùng sinh sống là Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Sán Chỉ, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng riêng là tiềm năng để khai thác du lịch cộng đồng.
Phụ nữ thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố (Pác Nặm) giữ nghề truyền thống góp phần phát triển du lịch cộng đồng.
Nằm cách trung tâm xã Bộc Bố khoảng 02km, thôn Khâu Đấng mang vẻ đẹp yên bình, thơ mộng với những nếp nhà sàn nằm bên sườn núi, không khí trong lành, mát mẻ… Đây là nơi sinh sống của 36 hộ dân tộc Sán Chỉ. Thôn có vị trí ở trên cao, thoáng đãng, có thể quan sát toàn bộ khu vực trung tâm huyện. Đặc biệt, vào mùa xuân, đến với Khâu Đấng du khách có thể được trải nghiệm Lễ hội Khai xuân của dân tộc Sán Chỉ; được xem lễ cầu mùa với ý nghĩa tiễn đưa năm cũ, cầu cho mọi sự tốt đẹp trong năm mới; được ghi lại những bức hình đẹp với hoa tam giác mạch, hoa cải vàng trên những triền ruộng bậc thang…
Ông Hoàng Văn Cầu, người uy tín thôn Khâu Đấng chia sẻ: “Từ khi có chủ trương của huyện tập trung phát triển thôn trở thành điểm tham quan du lịch, bà con trong thôn rất phấn khởi. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong thôn tập trung làm đường, tu sửa nhà cửa, trồng hoa và cây xanh để tạo cảnh quan môi trường. Đặc biệt, các lễ hội, nghề truyền thống đặc trưng của người Sán Chỉ được gìn giữ, phục dựng lại như: Lễ hội cầu mùa, nghi lễ trưởng thành (lễ cấp sắc), múa mặt nạ quỷ (mặt nạ Kadong), dệt vải…”.
Hiện, trên địa bàn huyện Pác Nặm có trên 30 câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ đang duy trì hoạt động tại 08/10 xã và một số trường học, trong đó có 11 CLB văn hóa, thể thao – làng văn hóa; 08 đội văn nghệ tuyên truyền, cổ động; 11 CLB hát Then, đàn Tính; 01 CLB khèn Mông với khoảng 350 nghệ nhân tham gia. Bên cạnh đó, trên địa bàn một số xã còn lưu giữ được nghề dệt vải truyền thống của các dân tộc Tày, Sán Chỉ, Mông, Dao.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng VHTT huyện Pác Nặm cho biết: “Thông qua hình thức xã hội hóa, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ các loại cơ sở vật chất như chăn, màn, đệm… cho những hộ dân thôn Khâu Đấng thực hiện kinh doanh dịch vụ homestay. Từ đó góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân địa phương”.
Thực hiện Đề án “Phát triển du lịch huyện Pác Nặm giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030”, huyện tập trung xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa như tìm hiểu đời sống, sinh hoạt lao động của đồng bào; các nghề truyền thống, đan lát, dệt thổ cẩm…; các làn điệu dân ca, dân vũ như hát Sli, lượn Cọi, lượn Slương, múa khèn… Xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với phát triển nông nghiệp vùng cao.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định rõ mục tiêu: Đưa du lịch Bắc Kạn giai đoạn 2020 – 2025 trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với những bước phát triển bền vững, làm động lực thúc đẩy phát triển các ngành khác cũng như kinh tế – xã hội của tỉnh; tạo tiền đề đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí và đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân, giữ gìn, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường…/.
Thanh Hảo
Báo Bắc Kạn – baobackan – Đăng ngày 11/07/2024