Thứ trưởng Đoàn Văn Việt tiếp Phó Tổng Giám đốc WIPO Hasan Kleib (Ảnh: TITC)
WIPO hoạt động nhằm thúc đẩy bảo hộ sở hữu trí tuệ trên toàn thế giới thông qua sự hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia thành viên và hợp tác với các tổ chức khác nhằm xây dựng một hệ thống sở hữu trí tuệ quốc tế cân bằng, hiệu quả và dễ tiếp cận, để thưởng cho các hoạt động sáng tạo, thúc đẩy đổi mới và đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, trong khi vẫn bảo đảm được lợi ích của toàn thể cộng đồng.
Chào mừng ông Hasan Kleib và đoàn công tác WIPO, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt bày tỏ sự cảm ơn WIPO đã luôn quan tâm giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và các vấn đề về quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng. Lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định, các vấn đề về sở hữu trí tuệ và quyền tác giả, quyền liên quan có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; góp phần thu hút đầu tư, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Toàn cảnh buổi tiếp (Ảnh: TITC)
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, lĩnh vực sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng có vai trò, ý nghĩa ngày càng quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt là việc triển khai các cam kết quốc tế tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Bộ VHTTDL đã tích cực mở rộng, tăng cường hợp tác song phương về bản quyền tác giả, quyền liên quan với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực này tại các cơ chế đa phương như APEC, ASEAN, và đặc biệt là WIPO.
Bên cạnh đó trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-WIPO trong thời gian vừa qua, vai trò của Việt Nam trong WIPO phát triển, hợp tác Việt Nam-WIPO đạt được những kết quả hợp tác tốt đẹp.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt tặng quà kỷ niệm ông Hasan Kleib (Ảnh: TITC)
Trong nước, Bộ VHTTDL đã tham gia mạnh mẽ vào quá trình hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tại Việt Nam về các lĩnh vực trên. Trong đó, Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12) và năm 2019 (Luật số 42/2019/QH14). Gần đây nhất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vào tháng 6/2022.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt mong muốn, trong thời gian tới, WIPO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, đặc biệt trong các nội dung: đào tạo, chuyển đổi số, du lịch, quyền sở hữu tác giả, công nghiệp văn hóa… Với lĩnh vực du lịch, Thứ trưởng cho biết, Việt Nam là một trong những nước trong khối ASEAN có ngành du lịch phát triển. Vượt qua những thách thức về dịch bệnh, 8 tháng đầu năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa đạt khoảng 79,8 triệu lượt khách, vượt xa so với mục tiêu đón 60 triệu lượt cả năm 2022, và gần bằng lượng khách du lịch nội địa cả năm 2019 – thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh (85 triệu lượt). Việt Nam luôn mong muốn phát triển du lịch bền vững gắn với phát triển văn hóa. Vì vậy Thứ trưởng hi vọng WIPO sẽ hỗ trợ du lịch Việt Nam, qua đó góp phần đưa du lịch Việt Nam phát triển hơn nữa.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: TITC)
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Tổng Giám đốc WIPO Hasan Kleib cho biết, Ban lãnh đạo WIPO với định hướng mới đã xác định sở hữu trí tuệ không đơn thuần là những vấn đề về pháp lý, kỹ thuật mà còn được xác định là công cụ thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Theo đó, mở rộng và hướng tới các đối tượng mới như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giới trẻ và phụ nữ.
Về những đề nghị cụ thể được lãnh đạo Bộ VHTTDL nêu, ông Hasan Kleib cho biết, WIPO sẵn sàng tư vấn pháp lý, chia sẻ những kinh nghiệm cần thiết với Việt Nam. Trong đó, Viện Sở hữu trí tuệ của WIPO có nhiều lĩnh vực đào tạo về sở hữu trí tuệ cho các lĩnh vực như du lịch, trò chơi điện tử, doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng tạo…, phía Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với WIPO trong những lĩnh vực này. “WIPO luôn sẵn sàng chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong hành trình hướng tới sự phát triển mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan”, ông Hasan Kleib khẳng định.
Trung tâm Thông tin du lịch