Thực hiện phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh ta ban hành Kế hoạch số 43/KH-UBND về phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tỉnh sẽ xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng (VHDLCĐ) trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc với chất lượng dịch vụ tốt nhất, thân thiện với môi trường.
Một góc Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn)
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
Trong không gian phát triển du lịch của tỉnh Hà Giang, huyện Quản Bạ là điểm nhấn về xây dựng Làng VHDLCĐ đạt chuẩn ASEAN vào năm 2017 với sinh thái và bản sắc văn hóa cộng đồng của người Dao ở vùng núi phía Bắc của Việt Nam. Dao Homestay Nặm Đăm được công nhận đạt tiêu chuẩn ASEAN là sự khẳng định của du khách và các tổ chức quốc tế, cho thấy điều kiện của tỉnh rất phù hợp để phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ). Trưởng thôn Nặm Đăm, Lý Tà Đành chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi thôn được nhận danh hiệu “ASEAN Homestay”. Để quản lý và phát triển du lịch đúng hướng, thôn đã thành lập và duy trì hoạt động của Ban quản lý DLCĐ, Câu lạc bộ các hộ làm dịch vụ Homestay… Từ đó, làm tốt công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao, giữ gìn kiến trúc truyền thống, trang phục, văn hóa… Giải thưởng ASEAN đối với Dao Homestay là một dấu ấn về chất lượng, tạo hiệu ứng, sức lan tỏa trong phát triển, tạo thương hiệu sản phẩm DLCĐ nhằm phát triển du lịch thôn Nặm Đăm và các thôn khác trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, huyện Quản Bạ có 2 địa điểm DLCĐ được nhận giải thưởng của ASEAN dành cho mô hình lưu trú kết hợp với giới thiệu, trải nghiệm và bảo tồn di sản trên Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn là Làng VHDLCĐ Nặm Đăm, xã Quản Bạ và H’Mông Village, xã Đông Hà mới được vinh danh là “khách sạn xanh” ASEAN vào tháng 1.2022.
Với định hướng phát triển Làng VHDLCĐ tại mỗi huyện có một đặc trưng riêng, tại huyện Đồng Văn có Làng VHDLCĐ thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, tiêu biểu cho kiến trúc văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô; Làng VHDL Lũng Cẩm, thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là, có nền văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông và Làng VHDL tiêu biểu thôn Ma Lé, xã Má Lé, tiêu biểu cho văn hóa của dân tộc Giấy. Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn, Phạm Quốc Lập cho biết: “Trong những năm qua, để xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, huyện tập trung bảo tồn văn hóa truyền thống đặc trưng của các Làng VHDLCĐ như bảo tồn kiến trúc nhà ở, mái ngói âm dương, tường trình đất, hàng rào đá truyền thống; bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca, dân vũ, các phong tục, tập quán, trang phục dân tộc, các lễ hội của dân tộc Mông, Lô Lô, Giấy…; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống như đan lát quẩy tấu, thêu thổ cẩm lên các sản phẩm may mặc… Nâng cấp đầu tư về cơ sở hạ tầng như đường làng, cổng làng, vệ sinh môi trường, xây dựng các gian trưng bày sản phẩm địa phương. Xây dựng các hoạt động trải nghiệm ẩm thực, trải nghiệm học thêu thủ công đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách; đầu tư xây dựng Làng VHDL tiêu biểu gắn với sản phẩm OCOP; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đào tạo nguồn nhân lực du lịch hướng tới xây dựng hình ảnh du lịch chuyên nghiệp. Ước tính trong năm 2021 và đầu năm nay có khoảng trên 550 nghìn lượt khách đến tham quan, du lịch tại các Làng VHDLCĐ trên địa bàn”.
Phát triển các điểm đến mới
Hiện nay, tỉnh có 35 Làng VHDLCĐ, trong đó có 16 Làng VHDLCĐ theo Đề án “Bảo tồn các Làng văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các Làng VHDLCĐ” giai đoạn 2020-2025 đang phục vụ du khách hiệu quả. Đề án hỗ trợ một cách toàn diện cho công tác bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa nhằm phát triển du lịch. Cụ thể là hỗ trợ bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống; hỗ trợ các đội văn nghệ dân gian; hỗ trợ công tác sưu tầm các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ, lễ hội truyền thống; hỗ trợ sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống phục vụ du lịch…
Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch hiện đang khai thác; đồng thời nghiên cứu khảo sát xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút khách quốc tế và đẩy mạnh thu hút khách nội địa… Trong đó, tỉnh định hướng đầu tư xây dựng điểm đến mới với 13 Làng VHDLCĐ gắn với các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và các sản phẩm du lịch khác hình thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn. Cụ thể: Làng VHDLCĐ thôn Khâu Vai gắn với Lễ hội chợ phong lưu Khâu Vai; khu du lịch Mê cung đá kết nối với tuyến du lịch lòng hồ thủy điện Bảo Lâm 1. Làng VHDLCĐ thôn Sảng Pả A gắn với dệt thổ cẩm của người Lô Lô. Làng VHDLCĐ Cốc Pảng gắn với khu du lịch Du Già theo hướng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khu đô thị du lịch, trung tâm dược liệu chăm sóc sức khỏe, trang trại nghỉ dưỡng homestay đặc sắc. Làng VHDLCĐ thôn Nậm Lương (Quản Bạ) gắn với bảo tồn Văn hóa dân tộc Bố Y. Làng VHDLCĐ thôn Phiêng Luông gắn với văn hóa dân tộc Mông và du lịch sinh thái thủy điện lòng hồ Bắc Mê. Làng VHDLCĐ thôn Khuổi My gắn với văn hóa dân tộc Dao áo chàm và ruộng bậc thang. Bảo tồn và xây dựng “Làng VHDL tiêu biểu” dân tộc Pà Thẻn thôn Minh Thượng gắn với phát triển Quần thể du lịch “Tân Lập Xanh”, xã Tân Lập; Làng VHDLCĐ thôn Tân Sơn (Bắc Quang) gắn với văn hóa truyền thống dân tộc Dao và danh thắng quốc gia Thác Thí. Làng VHDLCĐ thôn Khun, xã Bằng Lang (Quang Bình) gắn với du lịch sinh thái, mạo hiểm hang Pó Mỳ. Làng VHDLCĐ thôn Na Léng gắn với danh thắng ruộng bậc thang xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì). Làng VHDLCĐ dân tộc Tày thôn Quảng Hạ gắn với suối khoáng nóng Nậm Choong; Làng VHDLCĐ dân tộc Nùng kiểu mẫu thôn Nấm Ngà, xã Cốc Rế (Xín Mần). Triển khai dự án Làng VHDL phức hợp đa trải nghiệm OASIS Mã Pì Lèng với chức năng bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mông gắn với các sản phẩm hỗ trợ khai thác giá trị danh thắng Mã Pì Lèng.
Cùng với quan tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại chỗ sẽ góp phần nâng cao thu nhập của người dân địa phương và phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh./.
Việt Tú
Báo Hà Giang