Không chỉ là tỉnh vùng cao biên giới, Lào Cai còn là một trong những tỉnh có đông thành phần dân tộc thiểu số với 25 nhóm, ngành, đã tạo nên sự phong phú, đa dạng về nghề thủ công truyền thống. Mỗi nhóm, ngành dân tộc đều có nghề thủ công mang bản sắc, dấu ấn của dân tộc đó, gắn liền với quá trình hình thành và lịch sử truyền thống của từng tộc người.
Đồng bào Mông ở Lào Cai khôi phục và phát triển nghề dệt vải lanh. Ảnh: Thanh Cường
Với thăng trầm của lịch sử, qua thời gian, giá trị nghề truyền thống của các tộc người cũng mang màu sắc của câu chuyện tiếp biến văn hóa. Điều đó cũng là dễ hiểu, bởi không tránh khỏi sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người, các vùng miền trong cả nước, các quốc gia trên thế giới, nhất là trong giai đoạn hiện nay, bùng nổ thông tin, công nghệ…
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từ lâu, tỉnh Lào Cai luôn xác định song hành với phát triển kinh tế, nhất thiết phải chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Ngành văn hóa và các địa phương đã chung tay làm tốt công tác định hướng, hỗ trợ để nghiên cứu, phục dựng và bảo tồn bản sắc văn hóa của 25 nhóm, ngành dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã có 41 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Trong phạm vi nghề và làng nghề thủ công truyền thống của các tộc người sinh sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai, hiện tại có 7 nghề truyền thống được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia: Nghề chạm khắc bạc của người Mông Sa Pa; nghề Chàng slaw của người Nùng Dín (tranh cắt giấy); nghề chạm khắc bạc của người Dao đỏ Sa Pa; nghề làm tranh thờ dân tộc Dao đỏ ở Sa Pa; nghề dệt của người Dao họ Bảo Thắng; nghề dệt của người Thu Lao ở Si Ma Cai; nghề làm trống của người Dao ở Sa Pa.
Gắn liền với bảo tồn nghề thì khôi phục làng nghề xưa để làm sống lại những giá trị văn hóa của nghề truyền thống đồng thời để phát triển tạo sinh kế cho chính những chủ nhân của làng nghề ấy, Tỉnh ủy Lào Cai đã xây dựng Đề án số 03 về phát triển văn hóa, du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025, trong đó có nội dung bảo tồn và phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống đặc sắc của các dân tộc Dao, Mông; nghiên cứu lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề đan lát của người Hà Nhì ở huyện Bát Xát. Đồng thời, xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp – làng nghề. Trong đó, khôi phục và đầu tư xây dựng các nghề truyền thống: Nghề làm trống, nghề làm thuốc tắm của người Dao (Sa Pa); nghề rèn đúc của người Mông, đan lát của người Hà Nhì (Bát Xát); nghề dệt thổ cẩm của người Xá Phó (Sa Pa và thành phố Lào Cai); nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng Dín (Mường Khương)…
Cùng với đó, Lào Cai phát triển sản phẩm du lịch gắn với làng nghề như: Phát triển thương hiệu sản phẩm thổ cẩm Sa Pa tại các xã Tả Van, Mường Bo, Tả Phìn, Bản Hồ, Liên Minh (thị xã Sa Pa) nhằm vinh danh sản phẩm truyền thống, tạo việc làm và thu nhập bền vững cho người dân; hình thành làng nghề mây tre đan tại các xã Minh Lương, Làng Giàng, Nậm Tha (huyện Văn Bàn); xây dựng làng nghề thổ cẩm tại các xã Liêm Phú, Khánh Yên Trung, Dương Quỳ, Dần Thàng, Nậm Tha, Sơn Thủy (huyện Văn Bàn); hình thành các làng, trung tâm văn hóa thảo dược, sinh thái dược liệu tại thị xã Sa Pa, các huyện Bát Xát, Bắc Hà và thành phố Lào Cai.
Năm 2022, UBND tỉnh Lào Cai cũng đã ban hành Kế hoạch 361 về triển khai thực hiện Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Mục tiêu đến năm 2025, phải khôi phục bảo tồn được ít nhất 11 làng nghề, 21 nghề truyền thống và 13 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Nhiệm vụ đặt ra cho các địa phương, đó là phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới.
Cũng trong năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt, mới đây, ngày 17/4/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2024/NĐ-CP quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các danh sách của UNESCO và danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, nghề thủ công truyền thống gồm các biểu đạt văn hóa được thực hiện thông qua thực hành, sáng tạo của nghệ nhân, cộng đồng theo hình thức thủ công với kỹ thuật, hình thức, trang trí, nghệ thuật, nguyên vật liệu có yếu tố bản địa và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để tạo ra các sản phẩm có tính độc bản, mang bản sắc văn hóa truyền thống. Trong đó, quy định thực hiện chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ nghệ nhân, người thực hành tổ chức truyền dạy… Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Lào Cai tiếp tục công tác bảo tồn nghề truyền thống và phát triển các làng nghề truyền thống tại địa phương.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra, tỉnh Lào Cai đã đề ra một số giải pháp thực hiện, trong đó, rà soát, sắp xếp lại các làng nghề, làng nghề truyền thống phù hợp; khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề; xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu các giá trị của nghề, làng nghề; đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề; xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề…
Lê Thanh Cường
Báo Biên Phòng – bienphong.com.vn – Đăng ngày 19/7/2024