Kỳ thú thác Đôi, Quảng Ninh


Bao quanh thác Đôi là những khu rừng phòng hộ nguyên sinh của huyện Hải Hà. Xã Quảng Sơn có tổng diện tích tự nhiên 16.137,3635ha, nhưng toàn xã chỉ có 240ha đất canh tác còn lại đa phần là rừng đồi. Các cánh rừng nguyên sinh giữ nước cho 2 con sông Hà Cối và Tài Chi, cung cấp nước chính cho hầu hết các xã làm nông nghiệp ở huyện Hải Hà.



Xung quanh thác Đôi là khu rừng nguyên sinh với nhiều cây gỗ lớn


Muốn đến thác Đôi, từ trung tâm huyện Hải Hà, du khách phải đi 14 km đến xã Quảng Sơn, rồi đi tiếp 14 km đến bản Tài Chi, từ đây mới đến được thác Đôi. Nơi đây còn khá hoang sơ, vì vẫn chưa được đơn vị khai thác du lịch nào tìm đến nên vẫn chưa có dịch vụ phục vụ du khách. Thế nhưng vào những dịp cuối tuần, vẫn có các nhóm phượt của các bạn trẻ đến đây trải nghiệm cảnh núi rừng hoang sơ.


Có hai đường đến với thác Đôi, một đường có thể đi được xe máy men theo các đồi sim tự nhiên, vào tháng 5 hoa sim nở rộ và đến tháng 7 quả sim chín. Thật lãng mạn, giữa mùa hè cùng bạn bè trải nghiệm giữa rừng sim, hái thưởng thức những trái sim mọng ngọt khiến ta quên đi cái nóng nực của mùa hè .



Nếu bạn men theo lòng suối đến với thác Đôi, bạn sẽ được trải nghiệm nhiều cảnh thiên nhiên hùng vĩ


Một con đường khác đến với thác Đôi, nhưng phải đi bộ. Nếu đi đường này bạn phải có người quen dẫn đường, hoặc báo với cán bộ xã Quảng Sơn, họ sẽ giúp tìm người dẫn đường cho bạn. Đây là đường tắt qua lòng suối và qua những cánh rừng nguyên sinh, bạn được thoải mái chiêm ngưỡng cảnh vật hoàn toàn tự nhiên, những tảng đá to, nhỏ đủ mọi kích cỡ muôn hình thù thỏa sức tưởng tượng của mọi người. Trong rừng có những cây gỗ lớn cổ thụ và nhiều loài thảo mộc là những loại thuốc quý. Lá dong rừng rất nhiều chiếm cả vạt rừng, đây là nguồn lá dong để bà con gói bánh chưng vào dịp tết, bên những bờ suối còn có nhiều bụi chuối rừng ra hoa kết trái.


Vượt qua đoạn đường rừng, suối khoảng 3 km ta đến được thác Đôi. Thác cao khoảng 10m, dòng nước được chia làm đôi rồi đổ xuống một cái hồ rộng diện tích hơn 50m2, nước trong xanh nhìn rõ từng đàn cá trôi ẩn mình bơi lội. Thác Đôi bắt nguồn từ nguồn nước núi Cao Ba Lanh, chảy qua bản Tài Chi rồi đổ xuống xuôi theo dòng sông Hà Cối, huyện Hải Hà. Ngọn thác giống như dòng sữa mẹ, nuôi sống hàng ngàn ha rừng cũng như ruộng cấy của bà con các xã trong huyện.



Thác Đôi cao khoảng 10m đổ xuống một hồ nước trong vắt


Câu chuyện về thác Đôi được người dân bản xã Quảng Sơn kể lại rằng: Xa xưa lắm có một đôi trai gái người Dao yêu nhau. Cô gái mặt đẹp tựa như ánh trăng rằm khiến quỷ thần cũng phải mê mệt, rồi định bắt cô gái về làm vợ. Đôi trai gái biết chuyện và dắt tay nhau chạy trốn, qua rừng, qua suối đôi chân đến bật máu. Rồi một hôm họ chạy tới sông Tài Chi. Quỷ thần đã đuổi đến nơi. Đôi trai gái nhảy xuống sông. Qủy thần vác hòn đá lớn ném xuống chặn dòng sông lại. Đôi trai gái biến thành 2 dòng thác, vượt qua hòn đá lớn tạo thành dòng sông sâu nhấn chìm quỷ thần. Câu chuyện từ trí tưởng tượng của con người giải thích về sự hình thành của dòng thác đầy tính lãng mạn. Dòng nước dù có chia đôi nhưng rồi lại quấn với nhau làm một tạo thành hồ nước dưới chân thác, giống như tình yêu dù có lúc tách rời nhưng không thể chia đôi.


Đến với thác Đôi, du khách còn được khám phá văn hóa đồng bào Dao của xã Quảng Sơn là xã có đến 90% dân tộc Dao. Bà con còn lưu giữ rất nhiều nét văn hóa của dân tộc mình, đa phần phụ nữ đều biết thêu thùa những bộ quần áo truyền thống. Ở bản Lý Quáng (xã Quảng Sơn) có bà Diềng Chống Sếnh được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng bằng danh hiệu “Nghệ nhân Dân gian Việt Nam” năm 2013. Bà Sếnh là người có nhiều công truyền dạy người dân thêu thùa những bộ quần áo truyền thống cho phụ nữ trong xã.


Xã Quảng Sơn còn có hồ Trúc Bài Sơn, còn gọi là hồ trên núi nằm ở thôn Quảng Mới. Hồ có diện tích 110ha, nước trong hồ thường xuyên đạt 15 triệu m3 từ các con suối của các thôn đổ về. Nếu đi thuyền trong lòng hồ thật lãng mạnh với cảnh mây nước hữu tình, xa xa từng đàn cò bay sải cánh. Bạn sẽ có thêm trong bộ sưu tập ảnh của mình nhiều bức ảnh đẹp trong hành trình khám phá Quảng Sơn.


Công Thành

Scroll to Top
Send this to a friend