Từ những căn tính văn hóa sẵn có, du lịch như một chất liệu để bồi đắp cho các giá trị văn hóa thêm dày dạn. Ngoài ra, du lịch cộng đồng được xem như những phương cách hữu hiệu để làm cho các giá trị tự nhiên và nhân văn tại điểm đến được lan tỏa sâu rộng. Chúng tôi luôn khuyến khích người dân “chắt chiu cơ hội từng chút một” để thực hành du lịch bền vững…
Là một loại hình du lịch đã và đang nhận được sự quan tâm trong những năm gần đây, Du lịch cộng đồng đã góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội cho những địa phương còn nhiều khó khăn, đặc biệt với những vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển loại hình du lịch này. Vấn đề đặt ra là làm sao để du lịch cộng đồng phát triển bền vững? Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn TS Tạ Duy Linh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch về nội dung này.
PV: Thưa TS Tạ Duy Linh, lý do vì sao ông và các cộng sự của mình lại lựa chọn loại hình du lịch cộng đồng để nghiên cứu, tư vấn và phát triển?
TS Tạ Duy Linh: Lý do mà tập thể các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch (NCPTKT-DL) lựa chọn loại hình du lịch cộng đồng để nghiên cứu, tư vấn và phát triển là vì ba yếu tố trọng tâm sau đây:
Thứ nhất: Kỳ vọng của Viện NCPTKT-DL là việc hướng đến hỗ trợ người dân địa phương (đặc biệt là người nông dân) được hưởng lợi trực tiếp và nhiều nhất từ ngành kinh tế du lịch mang lại. Hiện nay, tại nhiều nơi ở Việt Nam ngành kinh tế du lịch đã được hình thành và đem lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên nhiều không gian thực hành du lịch thường đem lại lợi ích nhiều nhất cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư động lực và chưa thật sự hỗ trợ mạnh mẽ cho kinh tế các hộ gia đình gắn với đời sống của người dân. Từ đó, Viện NCPTKT-DL tập trung xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng để góp phần phát triển địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân và hướng đến mục tiêu “phát triển con người” một cách bền vững và toàn diện.
Thứ hai: Việc triển khai ứng dụng các mô hình du lịch cộng đồng sẽ giúp du khách có cơ hội hiểu rõ hơn về đời sống văn hóa – xã hội và hệ sinh thái cảnh quan nông nghiệp của địa phương. Xu hướng du lịch hiện nay không thể tách khỏi xu hướng “du lịch chậm” và du khách có mong đợi được trải nghiệm một cách chân thật và sâu sắc để hòa mình vào các không gian sinh thái tự nhiên và nhân văn đặc sắc của địa phương. Vì vậy, việc triển khai các mô hình du lịch cộng đồng cũng là cách thức đáp ứng các nhu cầu đa dạng của du khách và phù hợp với xu thế chung của việc phát triển ngành kinh tế du lịch trong bối cảnh hiện nay.
Thứ ba: Nguồn lực phát triển du lịch cộng đồng của các địa phương là nền tảng quan trọng cho việc triển khai các nghiên cứu ứng dụng của Viện NCPTKT-DL. Nhìn chung, trong không gian tổ chức đời sống, văn hóa hàng ngày (bao gồm cả văn hóa sinh kế) và văn hóa sinh thái có nhiều tiềm năng và dư địa để khai thác và phát triển hình thái du lịch cộng đồng. Nguồn lực tài nguyên du lịch đa dạng, chính sách và chủ trương được khuyến khích, nhu cầu mạnh mẽ của du khách về tìm hiểu hình thái du lịch cộng đồng ngày càng gia tăng, truyền thông được lan tỏa… là những thuận lợi quan trọng mang tính nền tảng để Viện NCPTKT-DL tiếp cận các địa bàn nhằm xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng và kích thích sự tham gia của các bên liên quan vào việc triển khai hình thái du lịch cộng đồng tại Việt Nam.
“Tour đèn dầu” riêng có tại Cồn Hô – Trà Vinh tạo điểm nhấn cho du khách trong và ngoài nước.
PV: Vậy, những mô hình Viện NCPTKT-DL đã tham gia thực hiện có điều gì đặc biệt, thưa ông?
TS Tạ Duy Linh: Hiện nay, cá nhân tôi và các chuyên gia tư vấn của Viện NCPTKT-DL đã tham gia thực hiện 4 mô hình du lịch cộng đồng tại tỉnh Trà Vinh và thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, tại Trà Vinh, chúng tôi đã tư vấn triển khai 3 mô hình, bao gồm: mô hình du lịch “thuận thiên” tại Cồn Chim (Xã Hòa Minh, Huyện Châu Thành); mô hình du lịch “tự thân” tại Cồn Hô (Xã Đức Mỹ, Huyện Càng Long) và mô hình du lịch “canh nông” tại Cồn Ông (Xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải). Tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi tư vấn triển khai mô hình du lịch “hội tụ” tại Ấp đảo Thiềng Liềng (Xã Thạnh An, Huyện Cần Giờ).
Điểm nhấn đặc biệt của 4 mô hình này là sự liên kết “gia tăng giá trị” nhằm kiến tạo các chuỗi cung ứng dịch vụ bền vững và hướng đến việc vừa đa dạng hóa vừa đặc thù hóa các sản phẩm du lịch của các địa phương. Người dân lấy điểm tựa là các nguồn lực sẵn có để hình thành nên bản sắc riêng có mà những nơi khác khó có thể bắt chước, lặp lại và hình thành nên các cảm xúc rất “đời thường”. Từ đó, các trải nghiệm du lịch tại các điểm đến mà chúng tôi tư vấn vừa rất trực quan, sinh động và vừa hấp dẫn khiến du khách có một sự kết nối bền vững với điểm đến. Đơn cử như “tour đèn dầu” riêng có tại Cồn Hô – Trà Vinh. Khi du khách đến với Cồn Hô, du khách sẽ được sống trong những nếp nhà đơn sơ, gọn gàng ngăn nắp với những phức cảm hoài niệm về đời sống văn hóa miệt vườn thông qua những sinh hoạt bình dị của văn hóa hàng ngày và những sự sáng tạo thích nghi của văn hóa sinh kế. Hơn thế nữa, đến với Cồn Hô, du khách còn có cơ hội đắm mình trong cảnh quan sinh thái nông nghiệp trong lành với những ý thức bảo tồn các giá trị tự nhiên một cách đồng bộ và sự thích ứng linh hoạt của người dân Nam Bộ trước những biến động của thủy văn và khí hậu. Thông điệp du lịch “tự thân” của Cồn Hô được chuyển tải đến du khách một cách tự nhiên, giàu cảm xúc và dễ dàng chiếm lĩnh thế giới nội tâm của du khách. Hiển nhiên, du khách sẽ chuyển hóa những hiểu biết tri giác của mình thành các hiểu biết viên mãn và tích cực chung tay bảo tồn các giá trị của hệ sinh thái tự nhiên và nhân văn.
Du lịch cộng đồng đầu tiên của TP Hồ Chí Minh tại ấp đảo Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ.
PV: Du lịch cộng đồng chính là khai thác thế mạnh con người, thiên nhiên của vùng đất đó để phát triển du lịch, vậy làm sao để nguồn tài nguyên đó luôn dồi dào, thưa ông?
TS Tạ Duy Linh: Trong quá trình khai thác các chất liệu văn hóa và tự nhiên tại các mô hình du lịch cộng đồng tại Trà Vinh và thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận ra rằng để các nguồn lực này luôn dồi dào chúng ta cần chú ý tính toán đến vấn đề bảo tồn và khai thác phát triển sao cho bền vững, ổn định và lâu dài. Trước tiên, khi quy hoạch và tổ chức vận hành chúng tôi luôn tính toán sức chứa du lịch của điểm đến để làm sao sự xuất hiện của du khách không mang theo các nguy cơ làm phá vỡ cấu trúc sinh thái và hệ giá trị của địa phương. Chúng tôi luôn khuyến khích người nhân phải hình thành cảm giác “thuộc về” với các hoạt động du lịch mà họ vừa là chủ nhân và vừa là các nhà cung ứng dịch vụ đến du khách. Người dân phải chủ động, phải chung tay để xây dựng các trải nghiệm phù hợp với năng lực và hoàn cảnh của địa phương. Từ những căn tính văn hóa sẵn có, du lịch như một chất liệu để bồi đắp cho các giá trị văn hóa thêm dày dạn”.
Ngoài ra, du lịch cộng đồng được xem như những phương cách hữu hiệu để làm cho các giá trị tự nhiên và nhân văn tại điểm đến được lan tỏa sâu rộng. Chúng tôi luôn khuyến khích người dân “chắt chiu cơ hội từng chút một” để thực hành du lịch bền vững. Đồng thời chúng tôi tư vấn để giúp người dân nhận thức được rằng họ đang sở hữu các giá trị của tài nguyên du lịch vừa phong phú vừa đa dạng đến vô giá, vì vậy họ cần tinh tế đóng gói và khai thác các tài nguyên du lịch một cách sáng tạo, linh hoạt và bền vững.
Từ một vùng đất tự cung tự cấp, hiện Cồn Hô là địa danh được khách quốc tế lựa chọn để trải nghiệm.
PV: Nhìn từ cách làm của Viện, để du lịch cộng đồng phát triển bền vũng, vai trò của ngành du lịch, địa phương như thế nào, thưa ông?
TS Tạ Duy Linh: Theo chúng tôi, để du lịch cộng đồng phát triển bền vững, các cấp quản lý chính quyền từ trung ương đến địa phương đóng vai rất quan trọng. Việc quy hoạch, tổ chức các không gian thực hành du lịch cộng đồng là việc làm cần thiết nhằm khai thác các tiềm năng sẵn có và đóng góp tích cực cho các trụ cột phát triển du lịch bền vững ở các khía cạnh chính sách, kinh tế, môi trường tự nhiên và văn hóa – xã hội. Vai trò của các cấp chính quyền địa phương là vai trò định hướng và tạo động lực cho các bên liên quan cùng chung tay xây dựng các điểm đến du lịch cộng đồng.
Với những quyết sách đột phá, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện khích lệ hỗ trợ người dân tham gia vào hình thái du lịch cộng đồng, từ đó tạo đà cho du lịch cộng đồng phát triển. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương còn đóng vai trò quản lý về mặt nhà nước để đảm bảo các vấn đề an toàn – an ninh trong du lịch và phối hợp nhịp nhàng cùng các bên liên quan đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch cộng đồng. Đồng thời, các cấp chính quyền là đơn giám sát nhằm đảm bảo chất lượng và ấn tượng tốt đẹp của du khách tại các điểm đến du lịch cộng đồng/…
Hoàng Mẫn (thực hiện)
Báo Đảng Cộng sản – dangcongsan.vn – Đăng ngày 15/5/2024