Với lợi thế tài nguyên thiên nhiên, giàu đa dạng sinh học rừng, khí hậu thuận lợi, bản sắc văn hóa riêng có, Đông Giang có các yếu tố để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Đông Giang có nhiều thuận lợi trong việc hình thành các mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Ảnh: N.V
Nhiều thuận lợi
Đông Giang có diện tích đất theo địa giới hành chính hơn 82.185ha, trong đó nhóm đất nông nghiệp hơn 79.105ha. Với lợi thế về điều kiện địa hình, đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và bản sắc văn hóa độc đáo, đặc trưng truyền thống của tộc người Cơ Tu… Đông Giang được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với du lịch văn hóa cộng đồng.
Ngoài những nếp nhà gươl đơn sơ, mộc mạc, Đông Giang còn nổi bật bởi chính những nét văn hóa truyền thống từ lễ hội, những làn điệu dân ca, điệu múa tung tung, da dá. Bên cạnh đó, thiên nhiên còn ưu ái ban tặng những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, địa hình nhiều sông suối… là những điểm đến khám phá du lịch khá mới mẻ.
Theo ông Đỗ Hữu Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, không chỉ hấp dẫn, thu hút du khách bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, Đông Giang còn là “điểm hẹn” cho du khách trải nghiệm, thông qua sinh các tour khám phá đời sống thường ngày của người dân và thưởng thức các món ăn truyền thống dân dã như bánh sừng trâu, cơm lam, thịt nướng ống, rượu cần, rượu tà vạt…
Lợi thế văn hóa đồng bào Cơ Tu được kỳ vọng sẽ giúp Đông Giang phát triển du lịch. Ảnh: N.V
“Những năm qua, chúng tôi tập trung xây dựng, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, với sự tham gia phục vụ của người dân địa phương. Tiêu biểu như Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang; Khu du lịch sinh thái Trường Sơn – Sông Bung (xã Mà Cooih).
Ngoài ra, chúng tôi cũng đang tiếp tục xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư có đủ khả năng nguồn lực vào địa bàn để nghiên cứu đầu tư một số dự án như: Khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng A Păng (xã Sông Kôn); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tây Bà Nà (xã Ba và xã Tư)” – ông Tùng chia sẻ.
Có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở Đông Giang vẫn chưa được khai thác đúng tầm; vì vậy, địa phương này đang tính toán mở rộng kết nối, thu hút đầu tư phát triển du lịch một cách bài bản.
Mở rộng kết nối
Ông Avô Tô Phương – Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, địa phương vừa có chuyến công tác học tập kinh nghiệm tại huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) về xây dựng đề án thí điểm phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, kết hợp khai thác dịch vụ, du lịch và đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc.
Từ chuyến công tác ý nghĩa này, nhằm mở rộng kết nối, giúp địa phương học tập kinh nghiệm, triển khai thành công các mô hình phát triển nông – lâm nghiệp kết hợp khai thác dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện. Với sự hỗ trợ, giúp sức từ huyện Hòa Vang, ông Phương kỳ vọng sẽ giúp địa phương sớm lựa chọn cách làm du lịch hay, sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế, thế mạnh của huyện.
Ông Trần Phước Thịnh – Chủ nông trại Suối mây – Rose Farm (xã Ba, Đông Giang) cho biết, khá ấn tượng với các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác dịch vụ du lịch của các đơn vị đầu tư tại Hòa Vang. Vì thế, sau chuyến học tập kinh nghiệm này, ông sẽ có cách làm riêng để thu hút du khách, đem lại thu nhập cho lao động địa phương.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ thúc đẩy phát triển loại hình du lịch cộng đồng, đồng thời hình thành và khai thác các điểm du lịch cộng đồng mới nhằm đa dạng hóa điểm đến, sản phẩm du lịch của huyện, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân miền núi” – ông Phương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thúc Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng, nhiều năm trước, Hòa Vang cũng gặp nhiều khó khăn không khác gì Đông Giang bây giờ. Từ vướng mắc về cơ chế, chính sách đặc thù, các hành lang pháp lý liên quan đất đai, quy hoạch, xây dựng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ, nhất là việc tham mưu cấp trên tháo gỡ vướng mắc, những khó khăn dần được giải quyết. Đặc biệt, là sau khi HĐND TP. Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 82 về thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang. Đây được xem là động lực quan trọng để địa phương tập trung phát triển các loại hình dịch vụ kết hợp du lịch.
“Đến nay, chúng tôi có 12/15 mô hình du lịch cộng đồng đưa vào hoạt động, trong đó có nhiều mô hình phát huy hiệu quả với doanh thu 1-3 tỷ đồng/năm, trực tiếp tạo công ăn việc làm và sinh kế ổn định cho người dân địa phương. Kết quả này góp phần đa dạng hoá các loại sản phẩm du lịch, thu hút du khách, nhất là khách nội địa tìm đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 82 cho phép Hòa Vang làm du lịch trên đất nông nghiệp. Đây là bước đột phá trong việc phát triển du lịch ở địa phương trong thời gian đến” – ông Dũng nói.
Ngọc Vy
Báo Quảng Nam – baoquangnam.vn – Đăng ngày 24/4/2024