Khánh Hòa: Lấy văn hóa nghề biển làm “linh hồn” phát triển du lịch

Tổ dân phố Bích Đầm nằm ở mặt ngoài đảo Hòn Tre (thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), gần với tuyến hàng hải quốc tế. Bao đời nay, bà con sinh sống bằng nghề biển, khi Nha Trang phát triển mạnh du lịch biển, đảo, thì Bích Đầm chuẩn bị hình thành làng du lịch cộng đồng kiểu mẫu, lấy văn hóa nghề biển làm “linh hồn” phát triển.

Tàu thuyền đánh cá ở Bích Đầm – Ảnh: Lệ Giang

Giữ môi trường tốt sẽ “hái” ra tiền

Ông Nguyễn Minh Tuy, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố Bích Đầm (phường Vĩnh Nguyên) dùng xe gắn máy chở tôi lên xem ngọn hải đăng Hòn Lớn trên 100 năm, hàng đêm vẫn chiếu sáng làm tín hiệu cho tàu thuyền qua lại vùng biển Nha Trang. Gọi Tổ dân phố Bích Đầm, nhưng thực chất là một làng biển đứng mũi chịu sào cho thành phố Nha Trang, chẳng có chút gì đô thị, phố xá ở đây cả. Tạo hóa đã ban tặng đầm biển kín gió quanh năm, tạo nên vẻ đẹp độc đáo hiếm nơi nào có được.

“Tổ dân phố Bích Đầm có 228 hộ, với 900 nhân khẩu. Trước đây đã có dự án tạo sinh kế cho người dân nâng cao nguồn thu nhập, phục hồi được nghề đan sọt và xâu chuỗi ốc. Hồi đó, người dân Bích Đầm làm ra sản phẩm, có người của dự án ra mua hết, nên có đồng vô đồng ra, đến khi dự án kết thúc, sản phẩm không có ai mua, đành dẹp tiệm hết” – Ông Nguyễn Minh Tuy kể lại.

Trong quần thể chung, khu vực Bích Đầm được ví như “điểm huyệt” đặt các cơ sở làm nghề lưới đăng, trục đường di cư theo mùa của các loại cá thu, cá ngừ…. Chếch về hướng Tây Nam có Khu bảo tồn biển Hòn Mun, nơi lưu giữ và cung cấp nguồn lợi thủy sản cho cả vịnh Nha Trang. Những năm gần đây, một số doanh nghiệp bắt đầu phát triển du lịch ở Bích Đầm. Vấn đề đặt ra là công tác bảo vệ môi trường sinh thái biển, đảo ở khu vực Bích Đầm nói riêng và vịnh Nha Trang nói chung vô cùng cấp thiết. Chính quyền địa phương và Đồn Biên phòng Bích Đầm (BĐBP Khánh Hòa) đã và đang nỗ lực bảo vệ môi trường biển, thảm thực vật trên đảo.

Hàng ngày, rác thải từ khu dân cư, bè nuôi trồng thủy sản, cơ sở du lịch được gom lại, thuyền từ đất liền ra chở đưa vào bờ xử lý theo hệ thống của thành phố. Thượng tá Phan Ngọc Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Bích Đầm cho biết: “Người dân trên đảo, doanh nghiệp du lịch, Đồn Biên phòng Bích Đầm đã có ý thức cao và hành động mạnh mẽ bảo vệ môi trường biển. Người dân giữ môi trường tốt sẽ “hái” ra tiền, thông qua các hoạt động du lịch, khai thác thủy sản”.

Hiện nay, được tài trợ của Quỹ môi trường toàn cầu, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa chủ trì thực hiện dự án “Thúc đẩy đối thoại hợp tác giữa cộng đồng và khối tư nhân với các cơ quan quản lý Nhà nước trong bảo vệ rạn san hô và phát triển bền vững Hòn Mun”. Chị Nguyễn Quỳnh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Mục tiêu của dự án là nghiên cứu, tìm hiểu đời sống của người dân Bích Đầm, từ đó đề xuất chính sách hợp lý, vừa phát triển kinh tế cộng đồng, vừa bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Hội đã phối hợp Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch và UBND thành phố Nha Trang, thành lập đoàn đi khảo sát, đánh giá tình trạng các di tích lịch sử, văn hóa hiện có tại Bích Đầm. Đồng thời trao đổi, đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại đây”.

Sẽ có làng du lịch cộng đồng nơi đầu sóng

Thành phố Nha Trang đang xây dựng đề án phát triển Bích Đầm thành một làng du lịch cộng đồng, lấy văn hóa miền biển, lối sống chài lưới ở đây làm cốt lõi phát triển. “Tôi dự kiến ở Bích Đầm sẽ tu sửa lại đường cho khách đi bộ len lỏi vào trong khu dân cư hoặc đạp xe xem phong cảnh biển, đảo. Sau đó thưởng thức ẩm thực bằng những hàng quán địa phương như: hàng bánh căn, hàng bún cá, hàng bánh xèo… Rồi đến điểm tham quan làng nghề truyền thống lưới đăng, nghe kể lại câu chuyện ngư dân vây cá ngoài biển. Ban ngày chơi cho đã, tối du khách thưởng thức xem hò bả trạo. Lộ trình tham quan khu vực Bích Đầm như vậy sẽ rất ấn tượng cho du khách trong và ngoài nước” – ông Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyến Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy thành phố Nha Trang thông tin.

Khách du lịch Hàn Quốc đến Bích Đầm tham quan. Ảnh: Lệ Giang

Không gian và tài nguyên của Bích Đầm không nhiều, hiện nay, một số doanh nghiệp du lịch, hộ nuôi cá đang còn hoạt động rời rạc, mạnh ai người đó làm, ai giỏi thì níu kéo được khách đến cơ sở của mình sử dụng dịch vụ.

Khu vực Bích Đầm có nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa hay cần được bảo tồn kỹ lưỡng và khai thác sâu vào từng mảng vấn đề. Đặc biệt, câu chuyện nghề lưới đăng có từ thời kỳ làm lưới bằng sợi đay, chèo thuyền bằng tay hơn 200 năm, được xem là “hồn cốt” của nghề biển Khánh Hòa. Hiện nay, lưới đăng vẫn còn hoạt động theo mùa, du khách có thể được tận mắt xem và nghe kể câu chuyện đầy hấp dẫn về kỹ thuật tạo dựng trận địa bắt cá ở độ sâu trên dưới 40m, ăn những con cá thu, cá ngừ, cá cờ… vừa mới bắt được.

Muốn phát triển du lịch cộng đồng ở nơi đầu sóng ngọn gió Bích Đầm bền vững, cần chọn cho được người “cầm trịch”, có vốn kiểu biết về du lịch cộng đồng, tâm huyết cho sự phát triển chung. Từ đó, có khả năng xâu chuỗi các mối quan hệ, các loại hình hoạt động khu vực Bích Đầm thành một tổ chức (có thể là hợp tác xã), phân công rõ ràng các lĩnh vực hoạt động, lợi nhuận được chia đều cho tất cả cộng đồng. Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu là mô hình do cộng đồng quản lý, vận hành trôi chảy, Nha Trang cần tham khảo.

Lệ Giang

Nguồn: Báo Biên Phòng – bienphong.com.vn – Đăng ngày 18/02/2024

Scroll to Top
Send this to a friend