(TITC) – Bên cạnh kinh phí ưu tiên dành cho xây dựng Thành phố du lịch sạch ASEAN, Du lịch bền vững ASEAN, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định chú trọng tăng cường nhiều giải pháp, biện pháp thực hiện tiêu biểu.
Thành phố Quy Nhơn đã công nhận giao quyền quản lý cho 04 Tổ chức cộng đồng tại 04 khu bảo tồn biển ở các xã, phường trong công tác bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, bảo vệ rùa biển với diện tích mặt nước biển 46,12 ha/224 thành viên tham gia.
Thành phố đã thành lập và duy trì cung cấp dịch vụ cứu hộ với 08 trạm cứu hộ dọc biển Quy Nhơn; thực hiện đầu tư và quản lý, sửa chữa hệ thống dây phao hơn 5km giới hạn bảo vệ an toàn cho người dân, du khách tắm biển.
Thành phố đã ban hành kế hoạch chuyên đề về bảo vệ môi trường, trong đó thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được đề ra. Hàng năm có kế hoạch tổ chức chuỗi các hoạt động truyền thông về bảo vệ môi trường kết hợp quảng bá du lịch như: Chương trình “Vì một Nhơn Lý xanh”, “Nhơn Hải – Biển xanh vẫy gọi”; phát động ở các xã, phường của thành phố trong thực hiện “Chương trình trồng 01 tỷ cây xanh”; phát động cộng đồng tham gia cùng chính quyền ra quân thu gom rác bãi biển, diễu hành bằng xe đạp, trang trí tranh bích họa truyền thông bảo vệ môi trường…
Hợp tác, tranh thủ nguồn tài trợ hỗ trợ về bảo vệ môi trường từ các
chương trình, dự án hợp tác quốc tế. Ngoài ra, Quy Nhơn cũng hợp tác, tiếp nhận dự án của Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) thực hiện dự án “Nâng cao năng lực quản lý và ý thức bảo vệ
môi trường của cộng đồng địa phương, xây dựng mô hình cộng đồng thu gom, phân loại, xử lý nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại các xã, phường ven biển thuộc Vịnh Quy Nhơn.
Quy Nhơn chú trọng thu hút đầu tư các dự án năng lượng xanh, năng lượng tái tạo như: 04 dự án Phong điện (điện gió) Nhơn Hội, tổng công suất 107,4 MW; dự án Quang điện (điện mặt trời) Fujiwara, công suất 50MW đã đưa vào hoạt động tại khu kinh tế Nhơn Hội… góp phần giải quyết năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, giảm thải ô nhiễm môi trường.
Công tác tiết kiệm năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường để tiết kiệm năng lượng cho hệ thống chiếu sáng công cộng; thành phố thực hiện dự án dần thay thế các đèn chiếu sáng công cộng hao tốn điện sang đèn led tiết kiệm điện, có hiệu suất chiếu sáng tốt hơn; đến nay đã thay thế 10.609 bộ đèn led thông minh/22.726 bộ đèn chiếu sáng công cộng các loại, chiếm tỷ lệ 46,6%, với kinh phí đầu tư gần 100 tỷ đồng; qua đó giúp tiết kiệm năng lượng tiêu thụ điện, tiết kiệm ngan sách chi phí chi trả tiền điện.
Kết quả khảo sát do Sở Du lịch Bình Định và Hiệp hội du lịch Bình Định thực hiện vào cuối năm 2022 cho thấy tỷ lệ hài lòng và rất hài lòng của khách du lịch đạt trung bình trên 80% (trong đó: sự hài lòng của khách du lịch về cảnh quan du lịch đạt 89,75%; về thân thiện, hiếu khách đạt 89,25%, về vệ sinh môi trường, môi trường du lịch và sạch sẽ đạt 80%; về an ninh, an toàn du lịch đạt 80%; về điều kiện giao thông đạt 73%).
Trong thời gian tới, thành phố Quy Nhơn sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục triển khai các kế hoạch, giải pháp phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững; ưu tiên và tranh thủ các nguồn lực bên trong và hợp tác, hỗ trợ từ bên ngoài nhằm đảm bảo “Cơ chế tài chính bền vững cho hoạt động xúc tiến, đánh giá và chứng nhận tiêu chuẩn Du lịch ASEAN” như mục tiêu, kế hoạch đã đề ra nhằm xây dựng thương hiệu du lịch riêng cho Quy Nhơn và góp phần cho mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh Bình Định nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Trung tâm Thông tin du lịch