Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, UBND huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách dân tộc; vận động người dân và các nghệ nhân trên địa bàn huyện tham gia gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình, gắn với việc phát triển du lịch cộng đồng. Qua đó, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Bà Hoa (bên phải) – được xem là người tiên phong đưa sản phẩm bản Diềm ra nước ngoài. Ảnh: Ái Vân
Với tiềm năng, lợi thế của địa phương, việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, nghề làm rượu cần, nghề đan lát gắn với phát triển du lịch mà huyện Con Cuông đang tập trung khai thác và phát triển nhằm vừa giữ gìn nghề truyền thống, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, vừa tạo sức hấp dẫn cho du khách đến với địa bàn. Qua đó, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Trong đó, Yên Khê là xã thuần nông của huyện Con Cuông, có trên 80% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, nghề đan lát thủ công vốn là nghề truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây, song qua thời gian, nghề đan lát này đã bị mai một đi ít nhiều. Với nỗ lực khôi phục làng nghề, đồng thời cũng là để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong xã, khi có Đề án phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng, cấp ủy, chính quyền xã Yên Khê đã vận động các hộ gia đình còn lưu giữ nghề đan lát thủ công truyền thống, tiếp tục mở rộng ra toàn xã.
Sau một thời gian, kết hợp làm nghề truyền thống với làm du lịch cộng đồng, các sản phẩm đan lát thủ công của người dân Yên Khê được du khách ưu chuộng vì sản phẩm có mẫu mã đẹp, phù hợp với nhu cầu, giá cả phải chăng. Cũng từ đó, nghề đan lát thủ công ở xã Yên Khê phát triển trở lại, nhiều tư thương ở các tỉnh, thành phố lân cận đã tìm đến thu mua, đặt gia công để mang đi tiêu thụ. Trước tiềm năng kinh tế mà các sản phẩm đan lát thủ công mang lại cho địa phương, huyện Con Cuông đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện thành lập các tổ đan lát ở xã Yên Khê, Bên cạnh đó, xã Yên Khê cũng đã kết nối với các tổ chức, đơn vị có liên quan mở các lớp học nghề ngắn hạn cho bà con.
Nghề đan thủ công không kén lao động, từ người già, phụ nữ, trẻ em đều có thể làm được, có thể làm ở bất kì đâu, tại nhà hay tại xưởng, vào bất kỳ thời gian rảnh rỗi nào. Mặc dù là nghề phụ, nhưng nghề này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Hiện nay, trên địa bàn xã Yên Khê có 5 tổ làm các sản phẩm thủ công từ mây tre đan, trung bình mỗi tháng, các thành viên sản xuất hàng trăm sản phẩm các loại, xuất bán đi các nơi trong tỉnh, bày bán làm quà lưu niệm, tạo các địa điểm du lịch cộng đồng ở địa phương. Điển hình có Tổ đan lát bản Nưa hiện nay đã tập hợp 39 thành viên, chủ yếu là người già mất sức lao động và trẻ em tận dụng khoảng thời gian nông nhàn để sản xuất các sản phẩm.
Ông Lê Anh Nuôi, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Khê cho biết: “Ngày xưa, các cụ đan lát đơn lẻ chủ yếu để phục vụ gia đình và người dân quanh vùng. Bây giờ, muốn phối hợp với các công ty, đơn vị liên quan thì bà con cần phải tập huấn hiểu biết một số kiến thức về thành lập tổ, nhóm để quản lý về con người và sản phẩm cho hiệu quả. Để nhân rộng mô hình tổ hội, nhóm đến lúc nông nhàn của nhà nông, bà con có thể đan lát, tạo ra các sản phẩm để có thêm thu nhập”.
Nghệ nhân đan lát bản Nưa dùng bàn tay khéo léo của mình tạo ra những sản phẩm độc đáo, làm hài lòng du khách gần xa. Ảnh: Ái Vân
Từ trung tâm xã Châu Khê, huyện Con Cuông đi khoảng 8km đường đất đá gồ ghề, chúng tôi đến bản Diềm, một bản vùng sâu biên giới Việt – Lào, nơi sinh sống của hơn 150 hộ đồng bào người Thái, người Đan Lai. Tận dụng nguồn nguyên liệu từ rừng với các loại mây, tre, bà con bản Diềm đã tạo ra những vật dụng phục vụ của cuộc sống thường ngày như rổ, rá, thúng, mủng… Với nguyên liệu tự nhiên và làm hoàn toàn bằng thủ công trong khâu đan lát đã tạo nên sự khác biệt của sản phẩm mây tre đan bản Diềm. Bà con dùng những củ, cây rừng như: cây phang, săng vì, củ nâu, củ nghệ… để nhuộm màu cho những sợi tre, mây trước khi đan thành sản phẩm. Những đường nét hoa văn vô cùng độc đáo trong từng sản phẩm chính là những hoa văn trên trang phục của đồng bào dân tộc Thái nơi đây, chính vì vậy, ngoài giá trị sử dụng, các sản phẩm còn có giá trị thẩm mỹ, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tuy nhiên, có thời điểm, những sản phẩm đó không bán được, vì thế, nhiều người trong bản đã phải đổi nghề để mưu sinh. Trước thực tế đó, với mong muốn giữ lại nghề truyền thống của bản làng, các cao niên và bà con trong bản không ngừng học hỏi, hoàn thiện sản phẩm của mình, đồng thời, nghiên cứu những mẫu mã mới, đa dạng hóa sản phẩm. Để rồi hiện nay, những sản phẩm mây tre đan ở bản Diềm đang có mặt tại các hội chợ thương mại lớn, các triển lãm từ trong tỉnh đến thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… và đặc biệt, đã có những đơn hàng xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Pháp, Đức… Ông Vy Hùng Thiện, dân tộc Thái, bản Diềm cho biết: “Từ khi nghề đan lát thủ công ở bản Diềm được khôi phục với mẫu mã, hình thức bắt mắt, mỗi tháng, gia đình tôi có thêm thu nhập từ 3-4 triệu đồng, đủ để chi tiêu và trang trải trong cuộc sống”.
Ông Nguyễn Khắc Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Con Cuông cho biết thêm: “Thời gian qua, huyện Con Cuông đã triển khai nhiều giải pháp để đầu tư phát triển cộng đồng, gắn với quảng bá và tiêu thụ sản xuất các sản phẩm, nghề truyền thống nhằm phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng các nghề có khả năng phát triển thành sản phẩm thương mại, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Ái Vân
Báo Biên Phòng – bienphong.com.vn – Ngày 02/11/2023