Bến Thân là khu xa nhất của xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Bà con trong khu chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trong đó người Dao chiếm trên 90%. Vậy nên việc phát triển điểm du lịch cộng đồng Bến Thân của HTX Nông nghiệp hữu cơ Tân Sơn như một “luồng gió mới” góp phần đổi thay nơi đây.
Đến điểm du lịch cộng đồng Bến Thân du khách có thể thăm hang, tắm suối…
Anh Đặng Quang Tiệp – Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tân Sơn cho biết: Điểm du lịch cộng đồng Bến Thân được triển khai xây dựng từ tháng 8/2023 với kinh phí đầu tư ban đầu gần 2 tỉ đồng. Là người con huyện miền núi Tân Sơn, khi đến khu Bến Thân tôi nhận thấy nơi có địa hình đẹp nhưng ít được biết đến. Vì vậy, tôi cùng một số người bạn trong Hợp tác xã quyết định đầu tư phát triển nơi đây thành điểm du lịch cộng đồng, vừa giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, vừa tạo sinh kế cho bà con. Chúng tôi mong rằng nơi đây sẽ trở thành điểm dừng chân của du khách, kết nối với các địa điểm du lịch sẵn có trong tỉnh như: Tắm nước khoáng nóng Thanh Thuỷ, thăm đồi chè Long Cốc (xã Long Cốc, huyện Tân Sơn), Vườn Quốc gia Xuân Sơn…
Để thu hút du khách về với Bến Thân, bên cạnh việc cải tạo đường giao thông, xây dựng một số hạng mục phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ của du khách, HTX Nông nghiệp hữu cơ Tân Sơn đã thành lập Tổ du lịch cộng đồng Bến Thân, tổ chức các hoạt động du lịch hấp dẫn như: Tắm suối, thăm hang và thưởng thức ẩm thực địa phương.
Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế có khí hậu mát mẻ, nước chảy từ hang đá quanh năm trong lành, thích hợp nuôi cá nước lạnh, HTX thành lập thêm Tổ nuôi cá tầm và Tổ chè Shan Tuyết hữu cơ, thực hiện việc nuôi, bán cá tầm và chè Shan Tuyết, phục vụ nhu cầu của du khách khi đến thăm quan và cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, tổ nuôi cá tầm có gần chục hộ tham gia, sản xuất 10 – 20 vạn con/ năm; với giá bán từ 350 nghìn đồng – 400 nghìn đồng/kg cá thịt và khoảng 1.000 đồng/1cm đối với cá giống.
Chị Triệu Thị Thơm – Tổ trưởng Tổ du lịch cộng đồng chia sẻ: Là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu Bến Thân, sau khi thành lập Tổ du lịch cộng đồng chúng tôi rất phấn khởi vì có thêm nhiều việc làm cho các chị em trong khu. Hiện trong tổ có 9 hội viên phụ nữ cùng tham gia, thực hiện giới thiệu về các nét văn hóa truyền thống, đặc trưng ẩm thực của đồng bào Dao đến với du khách. Công việc và thu nhập tương đối ổn định, đặc biệt không vất vả như làm ruộng, mà cũng không phải xa quê hương. Bên cạnh đó, nhiều gia đình có vợ tham gia Tổ du lịch cộng đồng; chồng tham gia tổ nuôi cá tầm, đời sống gia đình thêm khấm khá.
Và thưởng thức cá tầm cùng những món ăn hấp dẫn của đồng bào Dao nơi đây.
Các thành viên Tổ du lịch cộng đồng mong muốn điểm du lịch cộng đồng Bến Thân sẽ nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành về cơ chế, chính sách, hỗ trợ kinh phí, cũng như tổ chức các buổi tập huấn, nâng cao kiến thức về phát triển du lịch cộng đồng. Để từ đó, mỗi người dân cũng có thể là những hướng dẫn viên du lịch, tích cực tuyên truyền, quảng bá vẻ đẹp của quê hương đến bạn bè, du khách…
Chia sẻ về mô hình mới triển khai tại địa phương, đồng chí Hà Thanh Giáp – Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn cho biết: Khu Bến Thân là khu đặc biệt khó khăn của xã. Việc phát triển du lịch cộng đồng tại khu Bến Thân đem đến nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển kinh tế tại địa phương. Không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con mà còn có ý nghĩa nâng cao giá trị các sản phẩm nông sản và quảng bá các nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Trong tương lai, nơi đây có thể thành lập thêm các homestay, khu lưu trú để đón khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm với thiên nhiên. Để bảo vệ, gìn giữ, phát huy tối đa giá trị của cảnh quan thiên nhiên, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn, yêu cầu Tổ du lịch cộng đồng – HTX Nông nghiệp hữu cơ Tân Sơn cùng người dân thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, thu gom xử lý rác thải.
Vĩnh Hà
Báo Phú Thọ – baophutho.vn – Đăng ngày 22/11/2023