(TITC) – Sáng ngày 8/11, tại TP. Đà Nẵng, Trung tâm Thông tin du lịch và Phòng Quản lý lưu trú du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) phối hợp với Sở Du lịch Đà Nẵng tổ chức chương trình tập huấn, hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn du lịch ASEAN năm 2023. Chương trình diễn ra trong 3 ngày từ ngày 8-10/11.
Ông Hoàng Quốc Hòa – Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phát biểu khai mạc chương trình (Ảnh: TITC)
Tham dự lễ khai mạc có ông Hoàng Quốc Hòa – Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch; bà Nguyễn Thanh Bình – Phó trưởng phòng Quản lý lưu trú du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam); bà Phạm Thị Song Ánh – Phó Trưởng phòng Quản lý Cơ sở lưu trú, Sở Du lịch Đà Nẵng và các đại biểu là cán bộ các Phòng Văn hóa – Thông tin; chuyên viên phụ trách du lịch; quản lý cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố và giảng viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn và các tỉnh thành lân cận.
Phát biểu khai mạc chương trình, Giám đốc Trung tâm Thông tin du lịch Hoàng Quốc Hòa cho biết, các quốc gia thành viên ASEAN đã xác định xây dựng các bộ tiêu chuẩn du lịch ASEAN để chuẩn hóa dịch vụ du lịch của khu vực là một giải pháp cần thiết trong lộ trình thúc đẩy đưa ASEAN trở thành một điểm đến chung chất lượng.
Các bộ Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN do Ban Thư ký ASEAN công bố trên cơ sở thống nhất của các quốc gia thành viên, nhằm chuẩn hóa góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch, cũng như tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan trong phát triển du lịch khu vực.
Bà Nguyễn Thanh Bình – Phó trưởng phòng Quản lý lưu trú du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Ảnh: TITC)
Ông Hòa cho biết, đến nay đã có 08 bộ Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN về: (1) Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN, (2) Thành phố du lịch sạch ASEAN, (3) Du lịch cộng đồng ASEAN, (4) Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN, (5) Khách sạn xanh ASEAN, (6) Điểm du lịch MICE ASEAN, (7) Dịch vụ Spa ASEAN, (8) Nhà vệ sinh công cộng ASEAN. Những tài liệu này hướng dẫn cụ thể về các tiêu chí, cách thức, quy trình đánh giá làm căn cứ để các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các tổ chức đánh giá, chứng nhận áp dụng triển khai.
Thực hiện và mở rộng tiêu chuẩn du lịch ASEAN là một trong bảy chương trình hành động nhằm thực hiện định hướng chiến lược “Tăng cường năng lực cạnh tranh của ASEAN như một điểm đến du lịch duy nhất” được xác định trong Chiến lược Du lịch ASEAN 2016 – 2025. Và đây cũng là một hoạt động hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dành cho phát triển du lịch bền vững khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng.
Chương trình thu hút đông đảo sự tham gia của các học viên (Ảnh: TITC)
Đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, việc rà soát và triển khai áp dụng Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả quản lý ngang tầm với khu vực và quốc tế. Qua đó khẳng định thương hiệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Đặc biệt, các cơ sở đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn sẽ có cơ hội đăng ký tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN – giải thưởng uy tín hàng đầu trong khu vực nhằm tôn vinh các đơn vị xuất sắc trong ngành du lịch, được trao tại Diễn đàn Du lịch ASEAN tổ chức hàng năm.
“Chúng tôi mong rằng qua Chương trình này, các đại biểu tham dự sẽ tiếp cận một cách có hệ thống, có nhận thức đầy đủ và quyết tâm thực hiện các tiêu chuẩn du lịch ASEAN, góp phần nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của Đà Nẵng nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung”, ông Hoàng Quốc Hòa nhấn mạnh.
Bà Phạm Thị Song Ánh – Phó Trưởng phòng Quản lý Cơ sở lưu trú, Sở Du lịch Đà Nẵng phát biểu tại chương trình (Ảnh: TITC)
Thay mặt Sở Du lịch Đà Nẵng, bà Phạm Thị Song Ánh – Phó Trưởng phòng Quản lý Cơ sở lưu trú cho biết, hiện nay, bên cạnh các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch, phát triển sản phẩm du lịch chủ lực, khôi phục nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch… Đà Nẵng đang tập trung triển khai nhiều biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan. Đặc biệt, thành phố đang triển khai “Đề án xây dựng Đà Nẵng, thành phố môi trường” trong hoạt động du lịch. Vận động doanh nghiệp du lịch giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, giữ gìn vệ sinh môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đảm bảo vệ sinh môi trường các bãi biển, khu vực bán đảo Sơn Trà; thực hiện nếp sống văn hóa văn minh đô thị, văn hóa ứng xử, văn hóa kinh doanh, triển khai Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch, qua đó góp phần xây dựng và giữ gìn hình ảnh điểm đến Đà Nẵng “xanh, sạch, đẹp”.
Bà Ánh cho rằng, chương trình tập huấn có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức và quyết liệt hành động của đội ngũ cán bộ quản lý, các điểm đến, doanh nghiệp trên địa bàn về chuẩn hóa chất lượng dịch vụ phục vụ khách – một mục tiêu quan trọng của ngành du lịch Đà Nẵng.
Toàn cảnh chương trình (Ảnh: TITC)
Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho chúng ta rà soát, đánh giá và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đăng ký tham gia Giải thưởng Du lịch ASEAN, tạo cơ hội cho các bên tham gia phát triển du lịch bền vững góp phần quảng bá chất lượng dịch vụ và kích cầu du lịch Đà Nẵng. Trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN – ATF 2023 được tổ chức tại Indonesia vào đầu năm nay, Đà Nẵng có 01 đơn vị đạt giải thưởng ở hạng mục Dịch vụ Spa ASEAN, đó là Cham Spa & Massage. Giải thưởng này là sự ghi nhận, tôn vinh và cũng là cơ hội quảng bá thương hiệu đơn vị, khẳng định năng lực đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Tại chương trình, các học viên sẽ được nghe giới thiệu về 04 bộ tiêu chuẩn Du lịch ASEAN gồm có: (1) Thành phố du lịch sạch ASEAN, (2) Điểm du lịch MICE ASEAN, (3) Khách sạn xanh ASEAN và (4) Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN.
Đây là năm thứ hai Chương trình Tập huấn, hướng dẫn thực hiện Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN được tổ chức, phổ biến trên phạm vi toàn quốc. Trước đó, Trung tâm Thông tin du lịch đã tổ chức hai đợt tập huấn tại Lào Cai (từ ngày 24 – 26/10) và tại TP. Phú Quốc (từ ngày 01 – 03/11).
Trung tâm Thông tin du lịch