Mới đây, 2 làng nghề truyền thống là gốm sứ Bát Tràng và dệt lụa Vạn Phúc của Việt Nam đã gia nhập Mạng lưới các thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu làng nghề ra thế giới, mà còn phần thúc đẩy phát triển du lịch làng nghề.

Nhiều bạn trẻ thích thú với nghề thủ công. Ảnh: P. Sỹ
Kết hợp giữa du lịch và làng nghề
Làng tranh Đông Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) từ lâu đã nổi tiếng với nghệ thuật in tranh dân gian độc đáo. Những bức tranh màu sắc tươi sáng, không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mà còn chứa đựng triết lý sống sâu sắc của người Việt. Nhờ đó, làng tranh Đông Hồ thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá quy trình làm tranh thủ công tinh xảo.
Đến với Đông Hồ, ngoài trải nghiệm văn hóa truyền thống, du khách còn có cơ hội tự tay làm tranh ngay tại Trung tâm Bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ, trong không gian đậm nét văn hóa truyền thống.
Nghề đan cói ở Ninh Bình từ lâu cũng nổi tiếng với những sản phẩm thủ công tinh xảo. Những chiếc chiếu cói mềm mại, túi xách thời trang hay các vật dụng trang trí đều được làm thủ công tỉ mỉ bởi đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Không chỉ dừng lại ở giá trị sử dụng, các sản phẩm đan cói còn phản ánh nét đẹp mộc mạc, giản dị của làng quê Việt Nam. Nhờ đó, làng nghề đan cói tại Ninh Bình đã trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Cũng giống như ở làng Đông Hồ, đến đây du khách không chỉ được chiêm ngưỡng quy trình sản xuất mà còn có cơ hội tự tay trải nghiệm nghệ thuật đan cói truyền thống; cảm nhận cây cói mềm mại, óng ả, có vai trò là sợi dây nối giữa biển với bờ, giữa những con người cần cù, khoẻ mạnh với thiên nhiên trù phú…
Còn ở miền Trung, làng nghề làm nón lá Huế không chỉ là biểu tượng của cố đô mà còn gắn liền với các hoạt động văn hóa như lễ hội áo dài, tạo nên trải nghiệm đặc sắc cho khách tham quan. Miền Nam nổi tiếng với các làng nghề thủ công truyền thống độc đáo như sơn mài Tương Bình Hiệp, gốm Lái Thiêu, Tân Vạn, điêu khắc đá Bửu Long và các làng nghề cây cảnh ở Bến Tre. Sự phong phú và đa dạng của hệ thống làng nghề nơi đây không chỉ phản ánh nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn mở ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ cho du lịch làng nghề.
Theo đánh giá của ông Trịnh Quốc Đạt – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: Những năm gần đây, các làng nghề ở Việt Nam đã khởi sắc, phát triển theo nhiều xu hướng, trong đó có xu hướng kết hợp giữa sản xuất và du lịch làng nghề. Nhiều làng nghề, phố nghề đang là bộ mặt văn hóa, du lịch, đồng thời kết nối với nhau cùng phát triển mạnh mẽ.
Hiện nay, làng dệt lụa Vạn Phúc có hơn 60 hộ gia đình làm nghề dệt lụa với xấp xỉ 200 khung dệt. Còn làng nghề gốm sứ Bát Tràng có 8.500 nhân khẩu nhưng có hơn 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 gia đình sản xuất, kinh doanh gốm sứ, trong đó có 140 nghệ nhân và hàng nghìn thợ lành nghề.
Còn dưới góc nhìn của chuyên gia du lịch, ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) cho rằng, việc kết hợp giữa du lịch và làng nghề không chỉ tạo ra nguồn thu nhập mới cho người dân địa phương mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Để du lịch làng nghề phát triển bền vững, cần lấy cộng đồng làm trung tâm, chú trọng đến giá trị văn hóa và cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của từng địa phương.
“Việc phát triển du lịch cần dựa trên nền tảng văn hóa bản địa, đảm bảo sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương trong việc xây dựng và quản lý các sản phẩm du lịch” – ông Quỳnh cho biết.

Du khách trải nghiệm làm gốm tại Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: P. Sỹ.
Gìn giữ bản sắc, hài hòa lợi ích
Tuy nhiên, bên cạnh các lợi thế thì nhiều làng nghề truyền thống vẫn đối mặt với những thách thức, từ cơ sở hạ tầng hạn chế, quảng bá chưa hiệu quả đến áp lực từ thương mại hóa. Để phát triển bền vững, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương trong việc đầu tư, đổi mới sản phẩm và nâng cao nhận thức về bảo tồn văn hóa.
Những nỗ lực này không chỉ giúp giữ gìn giá trị truyền thống mà còn đưa du lịch làng nghề Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ thế giới.
Theo ông Phạm Hải Quỳnh, vẫn còn những thách thức trong việc phát triển du lịch làng nghề, như nguy cơ thương mại hóa quá mức dẫn đến mất đi bản sắc truyền thống, hoặc mâu thuẫn lợi ích giữa các thành viên trong cộng đồng. Do đó, cần có sự đồng hành chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các chuyên gia và cộng đồng để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, đảm bảo lợi ích hài hòa.
“Việc nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm cho du khách, thông qua việc đào tạo kỹ năng cho người dân, cải thiện cơ sở hạ tầng và đa dạng hóa các hoạt động du lịch. Việc này không chỉ giúp thu hút du khách mà còn tạo điều kiện cho người dân địa phương nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống” – ông Quỳnh cho biết.
Cùng quan điểm, PGS.TS Phạm Trung Lương – nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho rằng, du lịch làng nghề không chỉ giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo cơ hội phát triển kinh tế cho cộng đồng địa phương. Để khắc phục những hạn chế trong phát triển du lịch ở làng nghề, cần có chiến lược phát triển bền vững, đảm bảo sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương và bảo vệ bản sắc văn hóa truyền thống. Việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hướng tới phát triển du lịch xanh và bền vững, cũng là một trong những giải pháp quan trọng.
Cũng theo các chuyên gia, thế hệ trẻ đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống ở Việt Nam. Với sự sáng tạo và năng động, giới trẻ đã mang đến những ý tưởng mới mẻ, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, cần phải có chính sách hấp dẫn để phát triển du lịch làng nghề. Phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sớm để du khách quốc tế có thể dễ dàng tiếp cận thông tin du lịch về những làng nghề, chú trọng phát triển làng nghề theo hướng du lịch xanh, du lịch sạch… tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn cho du khách.
Với 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống, thời gian qua, du lịch làng nghề truyền thống ở Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Có thể kể đến một số làng nghề nổi bật như làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) hay làng tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh)… không chỉ giữ gìn giá trị nghệ thuật lâu đời, các làng nghề còn thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm nhờ các hoạt động trải nghiệm độc đáo. |
Phạm Sỹ
Báo Đại Đoàn Kết – daidoanket.vn – Đăng ngày 25/02/2025