Với nhiều thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng, miền là cơ sở để tỉnh phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng (DLCĐ). Để DLCĐ phát triển bền vững, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, bước đầu hình thành một số điểm DLCĐ tiềm năng.
Sự phát triển DLCĐ trong những năm gần đây góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy du lịch tại tỉnh. Sau hơn 10 năm xây dựng mô hình làng DLCĐ, hoạt động đón tiếp khách du lịch của các làng DLCĐ có nhiều khởi sắc, chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch được nâng cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số điểm DLCĐ đã và đang được đưa vào vận hành khai thác hiệu quả, là điểm thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm như: xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh); xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc); xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình); xóm Bản Giuồng, xã Tiên Thành, làng rèn xóm Pác Rằng, làng nghề làm hương xóm Phja Thắp, xã Phúc Sen, (Quảng Hòa). Ngoài ra, tại một số nơi, chính quyền địa phương bắt đầu quan tâm trong việc quy hoạch, đầu tư phát triển một số xóm, bản có tiềm năng phát triển DLCĐ.
Cùng với xã Phúc Sen nói chung, làng Pác Rằng với nghề rèn truyền thống trở nên nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Đến Pác Rằng, ấn tượng đầu tiên là nụ cười mến khách, tình cảm thân thiện của người dân. Đi trên con đường rộng rãi vào làng và những con ngõ vào từng ngôi nhà được lát gạch sạch sẽ, đẹp mắt, du khách cảm thấy khoan khoái, thú vị để tiếp tục hành trình khám phá, trải nghiệm. Những ngôi nhà sàn truyền thống mái lợp ngói âm dương, vách trát đất hoặc bưng ván, sàn nhà lát ván như níu chân du khách. Dưới chân cầu thang mỗi ngôi nhà đều có bể nước nhỏ bằng đá để rửa chân trước khi lên nhà, đây chính là một nét độc đáo trong sinh hoạt của người Nùng từ xa xưa, nay vẫn được lưu giữ…
Ngoài cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, con người thật thà, chân chất, chăm chỉ, Pác Rằng còn hấp dẫn du khách bởi nhiều giá trị văn hóa dân tộc hiển hiện trong cuộc sống thường ngày, trong lao động sản xuất, trong đời sống văn hóa tinh thần. Tiếng lượn Hèo phươn mượt mà, sâu lắng, thiết tha gọi mời trong các lễ hội, cuộc hát giao duyên, trong các đám cưới, mừng nhà mới, lễ cầu mùa…, khiến bất cứ ai cũng nao lòng. Sau khi đắm mình với đất và người Pác Rằng, du khách sẽ được thưởng thức dịch vụ homestay (phục vụ ăn uống, lưu trú), tham gia trải nghiệm nghề rèn, nghề nông. Chính bởi nét đặc sắc riêng có trong việc lưu giữ, phát triển nghề truyền thống cùng với nhiều nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc Nùng An, từ năm 2009, Pác Rằng là một trong 5 làng trên cả nước được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ thực hiện Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông mở rộng với mô hình làng DLCĐ.
Nhà báo Hoàng Thị Kim Tuyến, đến từ Hà Nội chia sẻ: Dù một số địa phương khác có sự giao thoa văn hóa và chịu ít nhiều tác động của đô thị hóa, nhưng người Nùng An Pác Rằng vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống bao đời, đây chính là “điểm cộng” giúp Pác Rằng hấp dẫn trong mắt du khách.
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh DLCĐ, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đồng thời hỗ trợ xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch; khai thác, phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch; ưu tiên hỗ trợ phát triển DLCĐ tại các bản, làng theo mô hình homestay… Tại xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen, từ năm 2009 – 2013, Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng triển khai đầu tư các hạng mục: Cải tạo gầm nhà sàn, hỗ trợ xây mới chuồng, di dời trâu, bò ra khỏi gầm sàn nhà ở; xây nhà vệ sinh khép kín, bể Bioga composite tận dụng khí đốt; xây dựng trung tâm thông tin, giới thiệu du lịch; đường đi bộ quanh làng, biển chỉ dẫn. Tổ chức dạy thêu thổ cẩm, tham quan học tập kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về DLCĐ, thành lập ban quản lý… Dân tộc Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc được hỗ trợ đầu tư các công trình vệ sinh khép kín do Trung tâm Phát triển cộng đồng Helvetas triển khai; năm 2019, với nguồn kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư các hạng mục nhà văn hóa, tổ chức các lớp truyền dạy nghề truyền thống, trò chơi dân gian, tập huấn về du lịch cộng đồng, tổ chức đoàn tham quan học tập kinh nghiệm… Dân tộc Dao Tiền xóm Hoài Khao, xã Quang Thành được UBND huyện đầu tư hỗ trợ đường đi lại trong làng, lựa chọn hỗ trợ xây dựng homestay, nhà văn hóa cộng đồng, bãi đỗ xe, tập huấn nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng, hướng dẫn nghiệp vụ du lịch… nhằm xây dựng thành điểm DLCĐ tiêu biểu của huyện đưa vào khai thác du lịch. Bản Giuồng, xã Tiên Thành được hỗ trợ đầu tư cho các gia đình làm homestay. Làng hương Phja Thắp, xã Quốc Dân và bản Lũng Niếc, xã Đàm Thủy được tổ chức Helvetas Thụy Sỹ tại Việt Nam tài trợ trên 2,8 tỷ đồng, hỗ trợ một số hộ làm homestay cải tạo mái nhà lợp ngói âm dương, nhà vệ sinh; tập huấn kỹ năng làm DLCĐ (đón tiếp phục vụ khách, tiếng Anh giao tiếp cơ bản, dịch vụ xe ôm…); tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm, làm clip quảng bá điểm đến. Năm 2016, làng hương Phja Thắp được lựa chọn là 1 trong các điểm di sản vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, làng tiếp tục được tỉnh đầu tư bãi đỗ xe, biển bảng thuyết minh, hỗ trợ công tác quảng bá. Làng đá cổ Khuổi Ky, xã Đàm Thủy nằm trong Dự án Bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày, xóm Khuổi Ky do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008, chủ yếu đầu tư về vật thể: 1 ngôi nhà văn hóa cộng đồng theo kiến trúc của người Tày, xây cầu vào làng, hỗ trợ 14 hộ xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch, lối đi… Năm 2016, làng đá cổ Khuổi Ky được lựa chọn là 1 trong các điểm di sản vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, làng tiếp tục được đầu tư biển chỉ dẫn, bảng thuyết minh, hỗ trợ công tác quảng bá.
Để xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, phù hợp với từng địa phương một cách có định hướng, có quy hoạch và chọn lọc để tăng tính hấp dẫn với du khách, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 quy định về chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 là một căn cứ pháp lý thực hiện hỗ trợ các hộ tham gia phát triển DLCĐ. Năm 2023 – 2024), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phân bổ 7,930 tỷ đồng cho các huyện, trong đó, năm 2023 phân bổ 4 tỷ đồng cho 7 huyện: Trùng Khánh, Thạch An, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hạ Lang; năm 2024 phân bổ 3,930 tỷ đồng cho 9 huyện: Trùng Khánh, Thạch An, Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hạ Lang, Quảng Hòa, Hòa An. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương khảo sát, đánh giá các nội dung hỗ trợ tại các huyện được phân bổ nguồn vốn. Theo đó, các huyện triển khai nhiều hoạt động như: hỗ trợ các hộ đầu tư, cải tạo trang thiết bị, đầu tư hệ thống biển, bảng chỉ dẫn, cải tạo cảnh quan môi trường, thành lập nhóm du lịch, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng nghề DLCĐ…
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 78/2021/NQ-HĐND được ngành chuyên môn, các địa phương vào cuộc tích cực. Sở lập tổ hỗ trợ DLCĐ cho các địa phương thực hiện khảo sát tất cả các địa điểm DLCĐ trên địa bàn tỉnh, định hướng, hướng dẫn hỗ trợ từng điểm DLCĐ và lựa chọn một số điểm DLCĐ để hỗ trợ, tuy nhiên các huyện có sự điều chỉnh từ điểm này sang điểm khác nên gặp khó khăn trong việc thực hiện. Cùng với chính sách của tỉnh đầu tư kinh phí hỗ trợ, thời gian tới, ngành chuyên môn và các địa phương cần đưa nội dung phát triển DLCĐ vào đề án quy hoạch chi tiết để thuận lợi cho việc đầu tư. Các nội dung hỗ trợ phát triển DLCĐ cần triển khai từ việc khó làm đến dễ làm như: cải tạo, xây dựng, mua sắm, tập huấn…, ngành văn hóa tích cực phối hợp với các địa phương tháo gỡ khó khăn ở từng điểm du lịch để thực hiện việc hỗ trợ phát triển DLCĐ hiệu quả và bền vững.
Xuân Thương
Báo Cao Bằng – baocaobang.vn – Đăng ngày 27/11/2024